Leeds United đã trở lại với Premier League sau bao năm dài chờ đợi cùng rất nhiều kì vọng sẽ làm được nhiều điều trong mùa giải mới.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng phân tích về đoàn quân của Marcelo Bielsa, khả năng của họ cũng như những cái tên đáng chú ý cho FPL 2020/21.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Leeds United là đội bóng hay nhất của Championship thậm chí còn ở cả mùa giải trước đó, 2018/19, dù chỉ xếp hạng 3 cuối mùa và xảy chân một cách “thảm họa” trong trận bán kết Play-off với Derby.
Mùa hè năm ngoái, họ đã chia tay với chân sút tốt nhất Kemar Roofe, tài năng trẻ được đánh giá cao Jack Clarke và cả người rất được các CĐV yêu mến, Pontus Jansson.
Bất chấp việc mất 3 trụ cột, một chuỗi phong độ tệ hại hồi đầu năm và cả đại dịch toàn cầu, đoàn quân của Marcelo Bielsa vẫn đã chứng tỏ được năng lực đích thực, khi lên ngôi vô địch Championship hoàn toàn thuyết phục.
Huấn luyện viên – Marcelo Bielsa
Bielsa được xem là một trong những nhân vật kì bí nhất của bóng đá thế giới sau 3 thập kỉ cầm quân, từ ĐT Argentina, Chile hay các CLB Athletic Bilbao, Marseille, Lazio, Lille và giờ là Leeds United.
Công việc tại Ellan Road là lần đầu ông dẫn dắt một đội bóng ở nước Anh, nhưng tiếng tăm của Bielsa đã được biết đến trên toàn cầu, với những ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều HLV xuất sắc khác, trong đó có Pep Guardiola.
Và để hình dung tốt nhất về phong cách chiến thuật của Leeds United, ta có thể liên tưởng đến cách mà Man City của Pep triển khai.
Leeds United gây sức ép ngay trên phần sân đối phương (press high), triển khai việc 1 kèm 1 trên toàn sân.
The Whites là đội bóng mạnh về thể lực nhất tại giải, họ chơi như những cái máy pressing và luôn ở thế áp đảo.
Rất nhiều chiến thắng của họ đến ở thời điểm cuối trận, khi đối thủ đã tỏ ra mệt mỏi còn họ thì vẫn tiếp tục chiến đấu đến tận cùng.
Tổ chức đội hình của họ được thay đổi linh hoạt, bắt đầu từ một khối 4-1-4-1 với các cầu thủ chạy cánh và các hậu vệ biên dâng cao hoặc đảo vào trong và chuyển sang 3-3-1-3 trong nhiều thời điểm.
Đôi khi khối đội hình cũng được thay đổi dựa vào việc đối phương có bao nhiêu tiền đạo, nếu là 1 thì họ sẽ chơi với 4-1-4-1 và nếu 2 thì sẽ là 3-3-1-3.
Leeds có thói quen sử dụng cố định một đội hình, giống như Burnley hay Wolves mùa trước, với số lượng cầu thủ đá chính rất hạn chế.
Bielsa chỉ thường thay đổi đội hình khi có chấn thương và treo giò, bất chấp một chuỗi trận phong độ kém.
Điển hình là Patrick Bamford đã chơi 10 trận liên tiếp mà không ghi bàn tại Championship nhưng vẫn được tin tưởng đá chính.
Bielsa rất trung thành với những lựa chọn của mình, và đáp lại, các cầu thủ cũng rất hết mình vì ông.
Những tiến bộ rõ rệt trong phòng ngự
Một trong những yếu tố chính mà Leeds đã cải thiện được trong chiến dịch Championship mùa này, chính là ở hàng phòng ngự.
Ở mùa giải 2018/19, họ để thủng lưới 54 bàn, từ số bàn thua kì vọng (xGA) là 47.04.
Con số xGA của họ là tốt thứ 2 của giải, chỉ kém duy nhất Sheffield United, trong khi số bàn thua chỉ cao hơn Sheffield United và Middlesbrough của Tony Pulis.
xGA mùa này của Leeds thậm chí còn ấn tượng hơn với chỉ 35.91 và họ để thủng lưới 35 bàn, những con số đều là số 1 tại Championship, với chỉ trung bình 0.8 bàn thua/trận.
Cũng giống như những gì mà Manchester City đã thể hiện tại Premier League, The Whites có được rất nhiều trận giữ sạch lưới từ tỉ lệ kiểm soát bóng vượt trội và chơi bóng một cách áp đảo.
Tổng cộng Leeds có 22 trận giữ sạch lưới, 5 nhiều hơn bất kì đội bóng nào khác, chiếm 47.82% số trận mà họ đã chơi ở Championship mùa giải vừa qua.
Những con số thống kê cực kì ấn tượng, đặc biệt là khi họ đã trải qua một chuỗi phong độ kém, với 11 trận liên tiếp không giữ sạch lưới, khi Kiko Casilla để lọt lưới 57.57% số pha dứt điểm trúng đích mà anh đối mặt.
54.28% tổng số bàn thua mà Leeds phải nhận cả mùa đến từ 11 trận đấu đó.
Sau đó, họ có 9 trận thắng 1–0 trên con đường đến chức vô địch, không phải như cách mà Jose Mourinho từng bóp nghẹt cả Premier League trong thời kì đầu ở Chelsea, mà như cách mà Bầy cá mập của Pep Guardiola lừng lững tiến về đích ở mùa giải 2018/19.
Không ngạc nhiên khi sân nhà Elland Road là nơi giúp The Whites có được những con số phòng ngự tốt, với 13 trận giữ sạch lưới.
Họ chỉ để thua 14 bàn, ít hơn 4 so với bất kì đội bóng nào khác có được trên sân nhà tại Championship, với trung bình chỉ thua 0.61 bàn/trận.
Những con số có thể không ấn tượng bằng, nhưng đội bóng của Bielsa vẫn là một trong những hàng phòng ngự tốt nhất trên sân khách ở mùa giải 2019/20.
Không đội bóng nào tại Championship có nhiều trận giữ sạch lưới hơn Leeds (9), và chỉ West Bromwich Albion (18) và Brentford (20) để thua ít bàn trên sân khách hơn The Whites (21).
Mùa | Đội vô địch | Bàn thua | Hạng | Bàn thua (mùa sau đó) |
% thay đổi |
10-11 | QPR | 32 | 1 | 66 | 106.3% |
11-12 | Reading | 41 | 1 | 73 | 78.0% |
12-13 | Cardiff City | 45 | 2 | 74 | 64.4% |
13-14 | Leicester City | 43 | 2 | 55 | 27.9% |
14-15 | Bournemouth | 45 | 2 | 67 | 48.9% |
15-16 | Burnley | 35 | 2 | 55 | 57.1% |
16-17 | Newcastle United | 40 | 1 | 47 | 17.5% |
17-18 | Wolves | 39 | 1 | 46 | 17.9% |
18-19 | Norwich City | 57 | 8 | 75 | 31.6% |
19-20 | Leeds United | 35 | 1 | ||
TB = 50% |
Hơn nữa, như bạn có thể thấy ở bảng trên, Leeds đến với Premier League với tư cách là đội vô địch Championship có hàng phòng ngự tốt nhất kể từ mùa 2010/11, khi QPR chỉ để thủng lưới 32 bàn trong bước đường lên ngôi.
Trong số 10 đội bóng gần nhất từng là số 1 tại Championship, chỉ có 5 (bao gồm cả Leeds) có được hàng phòng ngự tốt nhất của giải.
Dựa vào công thức ở trên, nếu ta có thể áp vào số bàn thua mà Leeds có thể phải nhận ở mùa giải đầu tiên ở Premier League, dự đoán con số này sẽ là 52.5 ở mùa giải 2020/21.
Dựa trên số bàn thua phải nhận của trên bảng xếp hạng Premier League mùa 2019/20, con số kể trên là tương đương với một đội bóng ở giữa bảng xếp hạng, và khá là thực tế, so với những gì mà Newcastle (47) và Wolves (46) đã có được trong mùa giải đầu tiên của họ sau khi vô địch Championship.
Thông số này cũng hứa hẹn về việc Leeds có thể làm được những gì mà Wolves đã từng thể hiện, hơn là nhà vô địch Championship trước đó (Norwich) ở Premier League mùa tới.
Mặc dù vậy, là một đội bóng thích chơi tấn công, lực lượng của Leeds hiện tại vẫn có một khoảng cách so với những hàng công chất lượng của Premier League và việc họ thể hiện ra sao, về mặt phòng ngự vẫn còn là một nghi vấn.
Họ không phải là một đội bóng có hàng phòng ngự rắn rỏi, chơi thực dụng như kiểu Sheffield United, Marcelo Bielsa không tính toán để hướng đến “một trận đấu 0-0”.
Bên cạnh đó, tương lai của Ben White, mắt xích quan trọng nhất trong hàng phòng ngự của đội bóng vẫn chưa rõ ràng.
Nếu như không chiêu mộ được trung vệ 22 tuổi người Anh từ đội bóng chủ quản Brighton, hàng phòng ngự của họ sẽ chịu tổn thất không nhỏ.
Cặp hậu vệ cánh đầy hấp dẫn
Luke Ayling và Stuart Dallas là những cái tên đáng theo dõi nhất trong hàng phòng ngự của Leeds United ở FPL mùa tới.
Dù khả năng giữ sạch lưới có thể không còn được đảm bảo khi chơi ở một cấp độ cao hơn, họ hoàn toàn có thể đem lại những giá trị lớn với khả năng tấn công của mình.
Ayling có cho mình 4 bàn và 4 kiến tạo ở mùa trước, những con số giống hệt như Matt Doherty đã từng có khi đăng quang ở Championship cùng Wolves cách đây 2 mùa giải.
Dallas lại còn hấp dẫn hơn trong mặt trận tấn công.
Vốn xuất thân là một cầu thủ chạy cánh (winger), cầu thủ người Bắc Ai Len đã được thử nghiệm chơi ở vị trí hậu vệ trái vào cuối mùa giải 2018/19, khi cả Barry Douglas lẫn Ezgjan Alioski đều gặp chấn thương.
Dallas đã chớp cơ hội với những màn trình diễn ấn tượng và chiếm được vị trí chính thức trong suốt mùa giải 2019/20.
Có cùng số kiến tạo với Ayling, nhưng Dallas vượt trội về số cơ hội tạo ra (43 vs 25 – chơi nhiều hơn 10 trận), anh có trung bình 91.4 phút tạo ra một cơ hội, so với 109.5 phút của Ayling.
Chất lượng của các cơ hội mà Dallas cũng rất tốt, với 11 cơ hội rõ ràng (big chances), chỉ kém 2 tiền vệ tấn công Pablo Hernández (13) và Jack Harrison (17).
32 pha dứt điểm trong vòng cấm của anh là nhiều hơn bất kì hậu vệ nào khác của Leeds, hơn 12 so với người đồng đội bên cánh phải.
Quan trọng hơn, 10 trong số đó được đánh giá là những cơ hội rõ ràng, cao thứ 3 toàn đội, chỉ kém Harrison và vua phá lưới của đội là Patrick Bamford.
Cuối cùng, Dallas cũng rất ấn tượng xét về khả năng chính xác của những pha dứt điểm, với 26 lần bắn phá trúng đích, con số tốt thứ 2 toàn đội, chỉ sau duy nhất Bamford (56).
Trở lại với Ayling, điểm đáng chú ý là 3/4 bàn thắng của cầu thủ này đến trong giai đoạn bước ngoặt của đội bóng, khi Leeds có chuỗi 6 trận bất bại (thắng 5) trước khi giải đấu bị hoãn.
Thủ môn và trung vệ
Vị trí thủ môn chính thức của Leeds hiện vẫn chưa rõ ràng trước thềm mùa giải 2020/21.
Đó có thể là thủ môn kì cựu Kiko Casilla, người đã bắt chính trong giai đoạn đầu mùa nhưng vắng mặt trong giai đoạn cuối do án treo giò vì phân biệt chủng tộc.
Illan Meslier là người thay thế, bắt chính trong 10 trận cuối mùa giải 2019/20 và giữ sạch lưới 1 nửa trong số đó.
Với việc Leeds áp đảo trong khả năng kiểm soát bóng, cũng khó để đánh giá Casilla và Meslier trong phương diện cứu thua.
The Whites đã nhận trung bình 9 pha dứt điểm mỗi trận, ít nhất ở Championship, và cả Casilla lẫn Meslier đều chỉ có trung bình 2 lần cứu thua mỗi trận.
Ai trong số họ bắt chính, khả năng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều pha dứt điểm hơn ở mùa giải tới nhưng hiện khó để xác định khả năng cứu thua của họ ra sao.
Tương lai của Ben White sẽ tác động lớn đến khả năng kiếm được CS của Leeds, khi người đang thuộc biên chế của Brighton dẫn đầu đội về số pha hóa giải (122), chặn dứt điểm (25), cắt bóng (118) và thu hồi bóng (301).
Trung vệ 22 tuổi còn nổi bật trong khả năng cầm bóng và phát động tấn công, cùng với người đá cặp Liam Cooper.
Cả 2 đều đứng top về số pha chuyền bóng cũng như số đường chuyền chính xác trong đội.
White dẫn đầu cả 2 thông số này, với 2,582 pha chuyền bóng và 2,184 trong số đó trúng đích.
Cooper xếp ngay sau, với 1,940 trong tổng số 2,367 đường chuyền của anh đến được tới vị trí của đồng đội.
Những chỉ số này sẽ giúp họ chiếm nhiều lợi thế để kiếm được bonus, trong trường hợp đội bóng giữ sạch lưới.
Về mặt tấn công, Cooper là người nhỉnh hơn với 21 pha dứt điểm so với 15 của White, dù có số phút ra sân ít hơn, và không ai trong 2 người có nhiều hơn 9 lần tạo cơ hội.
Ổn định trong mặt trận tấn công
Ở mùa giải 2018/19, Leeds United, chứ không phải nhà vô địch Norwich, dẫn đầu giải đấu về khả năng tạo ra cơ hội, với trung bình 1.67 bàn thắng kì vọng (xG) tạo ra mỗi 90 phút, dù chỉ ghi được 76 bàn.
Trong năm thứ 2 của Bielsa, họ thậm chí còn làm tốt hơn, với trung bình 1.82 xG mỗi trận.
Dù so sánh với các nhà vô địch khác, con số 77 bàn thắng mà Leeds United ghi được mùa này là không quá ấn tượng.
Mùa | Đội vô địch | Bàn thắng | Hạng | Bàn thắng (mùa sau đó) |
% thay đổi |
10-11 | QPR | 71 | 7 | 43 | -39.4% |
11-12 | Reading | 69 | 5 | 43 | -37.7% |
12-13 | Cardiff City | 72 | 3 | 32 | -55.6% |
13-14 | Leicester City | 83 | 1 | 46 | -44.6% |
14-15 | Bournemouth | 98 | 1 | 45 | -54.1% |
15-16 | Burnley | 72 | 1 | 39 | -45.8% |
16-17 | Newcastle United | 85 | 1 | 39 | -54.1% |
17-18 | Wolves | 82 | 1 | 47 | -42.7% |
18-19 | Norwich City | 93 | 1 | 26 | -72.0% |
19-20 | Leeds United | 77 | 2 | ||
TB = 80.2 | TB = 40 | TB = -49.6% |
Nếu tính vào độ suy giảm trung bình của những nhà vô địch Championship trước đó trong mùa đầu tiên của họ tại Premier League, thì dự đoán số bàn thắng của Leeds mùa tới sẽ chỉ là 38.1.
Con số này là thấp hơn Sheffield United (39) và Bournemouth (40) ở mùa giải 2019/20, dù một đội đã rất gần với một suất ra trời Âu còn đội còn lại thì đã xuống hạng.
Khả năng thể hiện của Leeds mùa tới, tất nhiên vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.
Đã có những đội thành công, nhưng vẫn có nhiều cái tên thất bại mà mới nhất là Norwich, với hàng công tốt thứ 2 trong số 10 nhà vô địch Championship gần nhất, có mở màn rực rỡ nhưng kết thúc Premier League một cách thất vọng, với chỉ 26 bàn được ghi.
Trở lại với vấn đề nội tại của Leeds United, họ tạo ra rất nhiều cơ hội, nhưng khả năng chuyển hóa lại không được tốt và những lúc hàng công gặp phong độ kém, họ ngay lập tức rơi vào một chuỗi trận tệ hại.
Tuy nhiên, đội bóng vẫn luôn kiên định với triết lý của Bielsa và bắt đầu chuyển mình sau trận thua 0-2 trước Nottingham Forest để xoay chuyển tình thế, vươn lên ngôi đầu với 10 bàn thắng trong 6 trận, chỉ thủng lưới duy nhất 1 lần trước khi nghỉ dịch.
Nhìn vào biểu đồ mạng lưới chuyền bóng ở trên, ta có thể thấy được triết lý của họ đã được luyện tập và triển khai rất nhuần nhuyễn.
Hướng triển khai chính của Leeds được tập trung bên cánh phải, với 2 tiền vệ công ở trung tâm – Pablo Hernandez và Mateusz Klich đều chơi lệch sang cánh này để tạo ra sự vượt trội về nhân sự (overload).
Sau đó họ có thể chuyển bóng sang cánh trái, tạo điều kiện tỏa sáng cho một trong những cầu thủ chơi tiến bộ nhất mùa này:
Jack Harrison
Mùa giải đầu tiên tại Elland Road của Harrison có chút không được như kì vọng, khi chỉ có được 4 bàn và 2 kiến tạo, sau tổng số 2861 phút thi đấu.
Chỉ số bàn thắng kì vọng (4.95) và kiến tạo kì vọng (3.16) cũng không quá ấn tượng, đối với một cầu thủ chạy cánh đã được thi đấu khá nhiều, trong một đội bóng vượt trội như Leeds.
Ở mùa giải năm nay, số phút thi đấu của cầu thủ đang thuộc biên chế Manchester City này đã được tăng lên (4050) và anh đã góp công nhiều hơn vào các bàn thắng của đội (14) với 6 bàn và 8 kiến tạo.
Harrison kết thúc mùa giải 2019/20 với tư cách là cầu thủ đứng đầu cả đội về số lần tạo cơ hội (87) và cơ hội rõ ràng (17).
Các thông số về dứt điểm của anh chỉ kém duy nhất Bamford, với tổng số 78 lần dứt điểm, 61 trong vòng cấm và có được 16 cơ hội rõ ràng để ghi bàn.
Anh cũng thăng tiến trong khả năng đi bóng (dribble) mùa này, với trung bình 6.05 pha đi bóng mỗi 90 phút, với tỉ lệ qua người thành công là 55.8% (so với 5.76 cùng tỉ lệ thành công 46.4% ở mùa giải 2018/19).
Sự tiến bộ của Harrison, cùng với sự xuất hiện của tân binh Helder Costa bên cánh phải, đã giúp Leeds có thể chơi với một khối đội hình rộng hơn, so sánh với khi Hernandez được xếp chạy cánh phải ở mùa giải 2018/19.
Thay đổi trong chiến thuật
Như đã đề cập ở trên, Leeds thường tập trung triển khai bên cánh phải, có được sự vượt trội về quân số để tạo khoảng trống cho cầu thủ chạy cánh trái và hậu vệ biên để khi chuyển hướng tấn công, họ có thể tạo ra các tình huống 1-vs-1 với hậu vệ của đối phương.
Điều này được diễn tả trên sơ đồ chuyền bóng (có ở trên), ta có thể thấy các cầu thủ tấn công thường có xu hướng dịch sang phải nhưng người chạy cánh trái thường giữ nguyên vị trí, trên cao và cách biệt.
Về cơ bản, hệ thống này được xây dựng để giúp Leeds có thể sử dụng Hernandez ở vị trí chạy cánh phải nhưng lùi sâu và di chuyển vào trong để tạo ra những pha phối hợp.
Với sự xuất hiện của tân binh H. Costa mùa này, cùng việc Adam Forshaw bị chấn thương, Marcelo Bielsa đã thử nghiệm Hernandez ở vị trí trung tâm và sử dụng 2 cầu thủ thuần chạy cánh ở 2 biên.
Nửa đầu mùa giải đã chứng kiến Leeds chơi với một đội hình 4–1–4–1 khá tiêu chuẩn, dù đôi lúc vẫn có một hậu vệ phải đảo vào trong (inverted right back).
Điều này một phần là bởi Ayling đã nghỉ 9 trận đầu mùa và Dallas đã được đưa sang vị trí hậu vệ phải ở những trận này.
Bielsa thích Dallas vì ông có thể dùng cầu thủ này như một inverted full back, đẩy anh vào vị trí trung tâm trong các pha phối hợp nhóm cùng tiền vệ phòng ngự Kalvin Phillips.
Trong nửa sau của mùa giải, Leeds sử dụng nhiều hơn sơ đồ lai 3–3–1–3, với Dallas chơi hậu vệ cánh dâng cao nhưng về cơ bản vẫn là một inverted full back bên cạnh Phillips.
Điều này cũng giúp Ayling thoải mái dâng cao nhiều hơn, kết hợp cùng Costa để tạo ưu thế về quân số ở bên cánh.
Pablo Hernandez
Nhân vật quan trọng nhất trong hệ thống tấn công của Bielsa, nhạc trưởng của giàn giao hưởng, chính là Pablo Hernandez.
Mùa giải vừa qua có lẽ là những tháng ngày tốt nhất trong sự nghiệp của cầu thủ người TBN, với 12 bàn thắng và 10 kiến tạo, cùng tỉ lệ lần lượt 0.28 và 0.23 mỗi 90 phút.
74 pha dứt điểm của anh chỉ kém 3 cầu thủ khác trong đội, trong khi chỉ 2 người có nhiều hơn 38 pha dứt điểm trong vòng cấm của Hernandez.
Những thông số này càng ấn tượng hơn, nếu biết rằng những vấn đề về gân kheo đã khiến anh vắng mặt 10 trận, và chỉ chơi khoảng phân nửa thời gian có thể.
Anh thường xuyên được thay ra và chủ yếu chỉ vào sân từ ghế dự bị trong 9 trận kể từ khi giải đấu trở lại, cũng bởi một chấn thương về gân kheo.
Một yếu tố quan trọng trong thành tích kể trên là việc Hernandez chuyển từ vị trí cánh vào trung tâm.
Dù điều này không thay đổi nhiều về vị trí trung bình, bởi khi chơi bên cánh, anh cũng thường xuyên bó vào giữa, tập trung ở hành lang trong (half-space) bên phải và khi chơi ở trung tâm thì anh cũng thường dịch phải để đánh vào vị trí này.
Lợi ích chủ yếu của việc đưa Hernandez vào trung tâm là Leeds có thể dùng Helder Costa ở biên phải, do đó có thể kéo giãn đội hình đối phương với tốc độ ở cả 2 bên cánh.
Dù 9 bàn thắng đóng góp của Costa (4 bàn, 4 kiến tạo) vẫn chưa thực sự ấn tượng nhưng khả năng kéo bóng (carry) ở biên phải của anh giúp hệ thống tấn công của Leeds có thêm được nhiều hướng triển khai.
Một nhân tố quan trọng nữa trong việc đưa Hernandez vào trung tâm, là giúp Leeds có thể tối đa hóa khả năng triển khai bóng của cầu thủ này.
Anh nhận được bóng trung bình 47.09 lần mỗi 90 phút ở mùa giải 19/20, tăng từ 42.63 ở mùa giải trước đó.
Mỗi khi nhận được bóng, suy nghĩ của anh luôn là triển khai nó đến khung thành đối phương và với vai trò là nhạc trưởng, anh không những tạo ra cơ hội mà còn hướng cả đội vào guồng tấn công.
Sơ đồ trên diễn tả tất cả các tiền vệ tại Championship đã chơi ít nhất 1000 phút ở mùa giải vừa qua.
Ở trên đó, số đường chuyền mỗi 90 phút được biểu thị dọc theo trục x cùng tỉ lệ của những đường chuyền hướng lên phía trước trong số đó nằm ở trục y.
Như bạn có thể dễ dàng nhận ra, Hernandez hoàn toàn khác biệt.
Chỉ Harry Arter có số đường chuyền mỗi 90 phút nhiều hơn Hernandez, nhưng anh lại ở phần tư phía dưới bên phải của sơ đồ, khi chỉ 12% những đường chuyền đó là hướng lên trên.
Có rất nhiều điều để nói về Hernandez, như việc tầm quan trọng của anh đối với đội bóng là lớn như thế nào.
Trung bình mỗi 90 phút, anh tung ra 2.9 đường chuyền tạo ra cơ hội ghi bàn và gần 0.5 cơ hội rõ ràng cho các đồng đội.
Anh có chỉ số ảnh hưởng cao nhất “+/- mỗi 90” (một tham số được FBref.com tạo ra để đánh giá sự khác biệt về điểm số trong thời gian mà một cá nhân ở trên sân) với +1.37.
Leeds có trung bình 2.02 điểm mỗi trận ở mùa giải vừa qua, nhưng với Hernandez có mặt ở trên sân, con số này được nâng lên 2.22.
Mặc dù vậy, giờ đã 35 tuổi, bước vào một giải đấu khắc nghiệt bậc nhất thế giới về thể lực, số phút thi đấu của Hernandez rõ ràng khó có thể được đảm bảo.
Do đó, đây chỉ có thể là một lựa chọn mang tính thời điểm, nếu anh khỏe mạnh và đội bóng bước vào một chuỗi lịch tốt.
Patrick Bamford
Bamford đã từng trải qua chuỗi 10 trận liên tiếp không ghi bàn và kết thúc mùa giải với gần 11 bàn thắng kém hơn so với kì vọng.
Mặc dù vậy, trong suốt quãng thời gian khô hạn bàn thắng, Bamford vẫn khẳng định được vị trí của mình với lối chơi đầy năng lượng, là đầu tàu của những đợt pressing, điều mà Bielsa đã không có được ở Eddie Nketiah, dù người được Arsenal cho mượn lại tốt hơn hẳn trong khoản ghi bàn.
Trong suốt mùa giải, kể cả ở giai đoạn tịt ngòi, Bamford vẫn luôn có được những vị trí tốt để ghi bàn, tung ra số pha dứt điểm (128) nhiều nhất giải đấu và đã ghi không ít những bàn thắng quyết định.
Trung phong của Leeds United có tổng cộng 44 cơ hội để ghi bàn, nhưng lại bỏ lỡ phần lớn trong số đó.
Dù sao Bamford vẫn là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất của Leeds khi kết thúc mùa giải, với 16 bàn và tổng bàn thắng đóng góp của anh (18) là ngang với Hernandez.
Việc không có con số bàn thắng cao, sẽ khiến mức giá của anh trong FPL có thể sẽ mềm hơn kha khá so với một số lựa chọn khác.
Nếu tiếp tục được Bielsa tin tưởng và cải thiện được khả năng dứt điểm, Bamford có thể là một lựa chọn sáng giá của mùa sau.
Những lựa chọn khác
Mateusz Klich đã đá chính ở 45/46 trận đấu của Leeds ở Championship mùa trước, thậm chí chuỗi trận đá chính của anh còn lên tới 92 trận liên tiếp, đủ để cho thấy nền tảng thể lực và độ tin tưởng của Bielsa vào anh là lớn như thế nào.
Anh cũng đóng góp 6 bàn, 5 kiến tạo và chỉ Bamford, Harrison và Dallas là có số pha dứt điểm nhiều hơn cầu thủ người Ba Lan (76).
Hơn phân nửa trong số những pha dứt điểm của Klich là từ bên ngoài vòng cấm (52.6%) nhưng anh vẫn nằm trong top 3 các cầu thủ của Leeds về số lần dứt điểm trúng đích (24).
Anh cũng xếp thứ 3 về số lần tạo cơ hội (79) và cơ hội rõ ràng (11).
Đặc biệt hơn, Klich đã thực hiện 3 quả phạt đền ở mùa giải 2019/20, ngang với Bamford.
Anh là người được trao nhiệm vụ thực hiện quả đá 11m duy nhất của Leeds sau khi giải đấu trở lại, và hứa hẹn sẽ tiếp tục được Bielsa lựa chọn.
Kalvin Phillips có những chỉ số tốt hơn nhiều so với một tiền vệ phòng ngự thông thường.
Dù chỉ có 2 bàn, 2 kiến tạo, anh lại là người được trao nhiệm vụ đá phạt góc và phạt trực tiếp nhiều nhất đội.
Phillips đã thực hiện 227 quả phạt góc, so với 51 của Hernández và 44 của Harrison, bên cạnh 9 quả đá phạt trực tiếp, so với 5 của Hernández.
Trung bình 1.8 lần tạo cơ hội mỗi trận của anh cũng chỉ kém Hernandez (2.3) và Harrison (1.9).
Helder Costa cũng chắc suất đá chính, ở vị trí chạy cánh phải, nhưng các thông số của anh lại không được ấn tượng, với 4 bàn, 4 kiến tạo, chỉ ngang với Ayling.
Anh chỉ có trung bình 1.5 pha dứt điểm và 1.1 lần tạo cơ hội mỗi trận, đều kém nhất trong các cầu thủ tấn công.
Ezgjan Alioski là phương án dự phòng và xoay vòng của Bielsa, đã có 5 bàn và 3 kiến tạo sau 2,253 phút ra sân, với 21 trận đá chính và 18 trận vào sân từ ghế dự bị.
Tyler Roberts là người được chọn mỗi khi Hernandez vắng mặt, với tổng cộng 1,086 phút được ra sân, anh có 4 bàn và 1 kiến tạo, với trung bình 217.2 phút mới có được một điểm tấn công.
Nguồn tham khảo: Fantasy Football Scout, Medium.com