Aston Villa là đội cuối cùng ghi tên vào danh sách tham dự Premier League 2019/20 sau chiến thắng tại trận Chung kết play-off, chấm dứt 3 năm thi đấu tại Championship.
Trước đó, họ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5 với 20 trận thắng, 16 hòa và 11 thất bại, ghi được 82 bàn thắng và thủng lưới 61 lần.
Chiến dịch thăng hạng của “The Villans – Những người nông nô” không phải hoàn toàn suôn sẽ khi phải thay tướng giữa đường.
Sau 12 trận đầu chỉ giành được 3 chiến thắng, Aston Villa đã phải sa thải Steve Bruce để bổ nhiệm Dean Smith.
Huấn luyện viên – Dean Smith
Sinh ra tại West Bromwich vào tháng 5-1971, Dean Smith trải qua 16 năm chơi bóng trong màu áo của 5 CLB khác nhau.
Đội bóng mà ông gắn bó lâu nhất là Leyton Orient, với 239 trận ra sân và ghi được 32 bàn và đây cũng là nơi Smith bắt đầu sự nghiệp huấn luyện với tư cách HLV đội trẻ và trợ lý HLV trưởng trước khi chuyển đến học viện của Walsall và từng bước trở thành HLV tạm quyền và rồi chính thức vào tháng 1-2011.
Walsall đang xếp bét bảng ở League One khi Smith nắm quyền nhưng ông vẫn giúp họ trụ hạng thành công và sau đó tiến dần lên các vị trí ở giữ BXH trong các mùa giải tiếp theo và đỉnh cao là lọt vào trận chung kết Football League mùa giải 2014/15.
Dean Smith sau đó đến với Brentford vào tháng 11-2015 và tiếp tục tạo dựng tiếng tăm về lối đá tấn công hấp dẫn trong 3 năm tại Griffin Park.
Brentford giữ vững vị trí ở nửa trên BXH trong 3 mùa giải liên tiếp dưới thời Smith dù chỉ có một ngân sách ít ỏi để chi tiêu.
Tài năng của Smith đã thu hút Aston Villa và họ đã chọn ông để thay thế Steve Bruce vào tháng 10-2018.
Đội bóng vùng Midlands chỉ đứng thứ 15 ở Championship khi Smith được bổ nhiệm nhưng ông đã dẫn dắt họ có được một vé tại vòng play-off và cuối cùng là suất thăng hạng Premier League.
Hệ thống chiến thuật
Dean Smith đã thử nghiệm chiến thuật sử dụng các cầu thủ chạy biên (wing-back) trong giai đoạn đầu của sự nghiệp nhưng sơ đồ 4-1-4-1 mà ông đã áp dụng thành công trong những tháng cuối cùng ở Griffin Park đã được tiếp tục sử dụng tại Aston Villa – dù đã có sự chuyển đổi sang 4-3-3 ở trận chung kết play-off.
Trong sơ đồ này, Conor Hourihane hoặc Glenn Whelan sẽ là người chơi thấp nhất trong số các tiền vệ và sẵn sàng lùi xuống hỗ trợ cho cặp trung vệ – bộ đôi hàng “mượn” Tyrone Mings và Axel Tuanzebe, với James Chester vắng mặt vì chấn thương – trong khi Ahmed Elmohamady và Neil Taylor chơi ở 2 biên.
Hai tiền vệ trung tâm khác, nhạc trưởng Jack Grealish và John McGinn, được phép dâng cao tổ chức tấn công, tương tự như cách chơi của bộ đôi James Maddison và Youri Tielemans dưới thời Brendan Rodgers.
Albert Adomah và Anwar El Ghazi là những người thường xuyên được lựa chọn để chơi ở 2 cánh và Tammy Abraham là người chơi cao nhất.
Lối chơi bóng thiên về tấn công, dựa trên việc kiểm soát bóng đã được triển khai ở Aston Villa kể từ khi Dean Smith nắm quyền.
Chỉ có Norwich City và West Brom ghi được nhiều bàn hơn Aston Villa (82) ở Championship mùa giải 2018/19, với 62 trong số đó đến từ 34 trận dưới thời Smith (trung bình 1.82 bàn/trận).
Aston Villa chỉ tịt ngòi trong 5 trận có sự chỉ đạo của Smith, trong đó chỉ có 1 diễn ra tại Villa Park.
Hàng phòng ngự
Là một đội bóng thiên về tấn công hơn là phòng ngự, cùng khởi đầu mùa giải khó khăn, Aston Villa đã để thủng lưới 61 bàn, chỉ khá hơn duy nhất 1 đội trong top 12.
Họ có 12 trận giữ sạch lưới, ít hơn 10 đội khác tại Championship.
Cũng giống với Norwich, đội bóng của Dean Smith cũng thường chơi phòng ngự kém hơn trên sân nhà.
Con số 36 bàn thua ở Villa Park của họ là tệ thứ 2 toàn giải, chỉ ít hơn Rotherham (38), đội bóng đã xuống hạng vào cuối mùa.
Tuy nhiên, hàng phòng ngự của The Villans lại là một trong những đội có thành tích tốt nhất ở trên sân khách.
Trong các lần thi đấu xa nhà, họ chỉ để thua 25 bàn trong 23 trận, chỉ nhiều hơn Middlesbrough (24), Sheffield United (24) và Norwich (23).
Bên cạnh đó, Aston Villa giành được một suất lên hạng cùng với một loạt những cái tên đi mượn về, những người chưa chắc đã tiếp tục ở lại vào mùa tới, đặc biệt là cặp trung vệ Tyrone Mings (Bournemouth) và Axel Tuanzebe (Manchester United).
Thêm vào đó, hiện vẫn chưa rõ được ai sẽ là thủ môn số 1 của Aston Villa.
Bởi vậy, thật khó để đoán định được khả năng phòng ngự của đội bóng này sẽ thể hiện ra sao ở Premier League mùa tới.
Ørjan Nyland
Bắt chính: 23
Ørjan Nyland là người trấn giữ khung thành của Aston Villa ở giai đoạn đầu mùa sau khi chuyển tới từ FC Ingolstadt, tuy nhiên sau đó nghỉ hết mùa vì chấn thương trong một buổi tập hồi tháng 12.
Thủ môn người Na Uy này được cho là sẽ hoàn toàn bình phục cho mùa giải 2019/20 và anh đang hy vọng sẽ lấy lại được suất bắt chính.
Với việc thi đấu phần lớn thời gian trong giai đoạn bất ổn của đội bóng, những chỉ số của Nyland không mấy ấn tượng.
Tính tới thời điểm chính thức xác nhận việc nghỉ hết mùa của Nyland, Villa đã để thủng lưới 38 bàn trong 25 trận, với trung bình 1.52 bàn/trận.
Thủ môn này có trung bình 2.9 pha cứu thua/trận, với 16 thủ môn khác tại Championship có chỉ số tốt hơn.
Jed Steer
Bắt chính: 18
Là người góp phần quan trọng trong chiến dịch thăng hạng của Aston Villa, Jed Steer thực ra vẫn đang chơi ở League One tại Charlton hồi tháng 12 theo dạng cho mượn.
Anh được gọi trở lại đội bóng sau chấn thương của Nyland để bắt dự bị cho tân binh Lovre Kalinić, người được đưa về trong kì chuyển nhượng mùa đông.
Tuy nhiên, thủ môn người Croatian cũng dính chấn thương chỉ sau 7 trận bắt chính và mở ra cơ hội cho Steer.
Góp mặt trong chuỗi 10 trận thắng liên tiếp của Aston Villa đã góp phần giúp Steer đảm bảo được vị trí dù Kalinic bình phục chấn thương sau đó.
Niềm tin của Dean Smith đặt vào Steer đã được tưởng thưởng khi anh 2 lần cản phá được những quả penalty trong màn đấu súng với West Bromwich Albion ở trận bán kết play-off.
Ahmed El Mohamady
Đá chính: 35 | Dự bị: 6 | Bàn thắng: 2 | Kiến tạo: 8
Cựu cầu thủ của Hull City và Sunderland, Ahmed El Mohamady sẽ trở lại cho mùa giải FPL thứ 7 trong sự nghiệp của anh.
Giờ đã 31 tuổi nhưng 12 tháng qua là khoảng thời gian có thể nói là tốt nhất trong thời gian chơi bóng ở Anh của El Mohamady, đặc biệt trong các chỉ số tấn công với 10 lần góp công vào bàn thắng.
Không hậu vệ nào của các đội lên hạng có nhiều hơn 8 kiến tạo của anh, trong khi những chỉ số của anh cũng thuộc dạng top ở mùa giải 2018/19.
Trong số những người có ít nhất 20 lần ra sân ở vị trí hậu vệ, cầu thủ người Ai Cập xếp hạng 2 về số cơ hội tạo ra mỗi trận (1.5), chỉ kém Reece James của Wigan và Barry Douglas của Leeds (đều 1.7).
So sánh với các cầu thủ tấn công khác trong đội, 53 lần tạo cơ hội ghi bàn của El Mohamady cũng không kém nhiều so với Jack Grealish (78), John McGinn (75) và Conor Hourihane (70).
Bên cạnh đó, đã 13 lần mùa này El Mohamady được đẩy lên chơi tiền vệ cánh phải và có 2 bàn, 2 kiến tạo trong những trận đấu đó.
Neil Taylor
Đá chính: 31 | Dự bị: 3 | Kiến tạo: 3
Cùng với El Mohamady, Neil Taylor nhiều khả năng vẫn sẽ đảm bảo suất đá chính của mình mùa tới, mặc dù khả năng tấn công của anh kém hơn nhiều so với người đồng đội.
Taylor chỉ có được 3 kiến tạo sau 20 lần tạo cơ hội, đứng thứ 11 trong đội hình của Villa.
Điều này là bởi Taylor vốn thiên về việc đảm bảo nhiệm vụ phòng ngự hơn, với việc đứng thứ 3 trong đội về số pha tắc bóng và thứ 4 về tắc bóng thành công – những thông số có thể khiến anh kiếm được bonus ở mùa tới.
Mặc dù vậy, khả năng tấn công nghèo nàn cùng với việc Villa không được đánh giá cao trong khả năng kiếm điểm sạch lưới sẽ khiến không nhiều người chơi lựa chọn cầu thủ này.
James Chester
Đá chính: 28 | Bàn thắng: 5
Mặc dù là người ghi bàn tốt nhất trong số các hậu vệ, James Chester lại trải qua một mùa giải vật lộn với chấn thương và vắng mặt trong 18 trận đấu cuối mùa.
Tất cả trong số này đều là từ các tình huống cố định với không một cầu thủ nào ở FPL mùa trước có nhiều hơn anh (Shane Duffy và Callum Wilson đều có 5).
17 pha dứt điểm trong vòng cấm của Chester là nhiều nhất trong số các hậu vệ của Villa, dù thời gian thi đấu của anh là không nhiều.
Mặc dù vậy, tình hình sức khỏe của cựu trung vệ Hull City này cùng tình hình chưa rõ ràng về vị trí chính thức sẽ cản trở anh đến với đội hình của người chơi FPL.
Tyrone Mings
Đá chính: 18 | Bàn thắng: 2
Như đã đề cập, Tyrone Mings đã trở thành một thành phần rất quan trọng trong đội hình của Aston Villa kể từ khi chuyển đến theo dạng cho mượn từ Bournemouth hồi tháng 1.
Tại thời điểm mà đổi bóng thiếu lựa chọn chất lượng ở vị trí trung vệ, cầu thủ 26 tuổi đã là sự bổ sung cực kì đúng lúc với những màn trình diễn ấn tượng.
Mings đã có 2 bàn trong 5 tháng chơi tại Villa dù chỉ có tổng cộng 7 pha dứt điểm.
Khả năng ghi điểm tấn công không tốt của anh có lẽ sẽ không thu hút người chơi Fantasy, tuy nhiên việc The Villans giữ được anh ở mùa giải tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng kiếm điểm sạch lưới.
Axel Tuanzebe
Đá chính: 27 | Dự bị: 1 | Kiến tạo: 1
Đối tác ăn ý của Mings, Axel Tuanzebe cũng là một cái tên đi mượn về và đang nằm trong biên chế của Manchester United.
Bộ đôi trung vệ này là yếu tố quyết định giúp Aston Villa nâng cao được khả năng phòng ngự trong giai đoạn cuối mùa và Dean Smith đang cố gắng làm việc để giữ được họ trong mùa giải tới.
Mặc dù vậy, ông sẽ phải chờ đợi thêm, đặc biệt là trường hợp của Tuanzebe, khi thông tin từ tờ Daily Mirror cho biết Ole Gunnar Solskjaer sẽ đánh giá trung vệ này trong đợt pre-season sắp tới trước khi quyết định tương lai của anh.
Hàng tấn công
Với việc hàng phòng ngự đang không được đánh giá cao mà lại còn đang bất ổn, hàng công lại là niềm hy vọng của Aston Villa bởi họ là một trong những đội tấn công tốt nhất tại Championship mùa giải 2018/19.
82 bàn mà họ ghi được là tốt thứ 3 tại giải, chỉ xếp sau West Bromwich Albion (87) và Norwich (93).
Đây cũng là con số ngang bằng với Wolves trong chiến dịch thăng hạng của họ ở mùa giải 2017/18, và chúng ta đã biết, hàng công của Wolves đã chơi rất ấn tượng ở EPL mùa giải tiếp theo.
Mùa giải 2018/19 của Aston Villa có thể được chia ra làm 2 giai đoạn, bởi ở thời điểm bước qua năm mới, họ vẫn đang chỉ xếp thứ 9 và khả năng thăng hạng không được đánh giá cao.
Tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm đó, họ đã bắt đầu chơi khởi sắc, đặc biệt ở hàng công với 47 lần tìm được mành lưới đối phương sau 25 trận, ngang bằng với nhà vô địch Norwich.
Đặc biệt trong chuỗi trận này có 10 chiến thắng liên tiếp vào mùa xuân, họ đã ghi 23 bàn, với trung bình 2.3 bàn/trận.
Hiển nhiên, Villa Park là nơi chứng kiến nhiều pha ghi bàn nhất của The Villans mùa này (50), con số chỉ thua kém so với Norwich (51) và West Brom (53).
Bên cạnh đó, 32 bàn ghi được trên sân khách của Dean Smith và các học trò cũng là tốt thứ 5 giải đấu.
Khả năng ghi bàn ấn tượng của Aston Villa cũng dựa trên những thông số rất tích cực.
Trong suốt giải đấu, chỉ có Leeds (825) và Norwich (709) là tung ra nhiều pha dứt điểm tổng cộng hơn Villa (701).
Ngoài ra, họ cũng đứng thứ 4 về số pha dứt điểm trong vòng cấm (343) và xếp thứ 3 về số pha dứt điểm bên trong vạch 5m50 (70).
Các tình huống cố định cũng là một vũ khí quan trọng của Villa, với 25 bàn từ những pha bóng chết, nhiều hơn bất kì đội bóng nào ở cả Championship lẫn Premier League.
Conor Hourihane
Đá chính: 35 | Dự bị: 11 | Bàn thắng: 8 | Kiến tạo: 11
Dù Jack Grealish và Tammy Abraham là những cái tên thường xuyên được nhắc đến hơn cả, Conor Hourihane lại được không ít người đánh giá mới chính là nhân tố quan trọng nhất trong hệ thống tấn công của Villa – dù anh là người thường xuyên chơi thấp nhất.
Cựu cầu thủ của Plymouth Argyle và Barnsley là người duy nhất góp mặt trong cả 46 trận của Villa mùa này và chỉ có Abraham là nhiều lần góp công vào bàn thắng hơn anh.
Hourihane đặc biệt nguy hiểm với những pha dứt điểm từ xa. Anh xếp thứ 4 cả đội về số pha dứt điểm nhưng có tới 7 người có nhiều hơn anh về những lần thực hiện trong vòng cấm.
Những pha dứt điểm của Hourihane cũng rất chất lượng khi chỉ có McGinn và Abraham là có nhiều pha thực hiện trúng đích hơn.
Hơn thế nữa, Hourihane là người đứng đầu đội bóng về số pha kiến tạo (11) và đặc biệt nguy hiểm trong những pha đá phạt.
Anh là người tạo ra cơ hội ghi bàn từ các tình huống cố định nhiều nhất đội, thậm chí còn gấp đôi so với Grealish.
Trong các pha bóng sống, có 2 cầu thủ Villa xếp trên Hourihane về số cơ hội tạo ra nhưng anh vẫn đứng đầu về số lần tạo ra những cơ hội rõ ràng, ngang với McGinn.
Là cầu thủ chơi thấp nhất trong số các tiền vệ, không khó hiểu khi Hourihane xếp thứ 2 cả đội về số pha tắc bóng thành công và thứ 3 về thu hồi bóng, những điều giúp anh kiếm được kha khá điểm bonus.
John McGinn
Đá chính: 42 | Dự bị: 1 | Bàn thắng: 7 | Kiến tạo: 9
Không có cầu thủ nào của Aston Villa có số trận đá chính nhiều hơn John McGinn, và anh có thể sẽ là một lựa chọn thú vị ở FPL 2019/20.
Cầu thủ người Scotland thường được bố trí chơi bên phải trong bộ ba tiền vệ trung tâm, và là một trong những người chơi hay nhất trong hành trình thăng hạng của Villa.
5 trong số 7 bàn thắng của McGinn được ghi trong 12 trận cuối mùa (bao gồm các trận play-off) và là mũi tấn công nguy hiểm nhất trong hàng tiền vệ của Aston Villa.
40 pha dứt điểm trong vòng cấm của anh là đứng đầu các tiền vệ, chỉ sau 2 tiền đạo, và cũng không có tiền vệ nào thực hiện nhiều pha dứt điểm trúng đích hơn McGinn.
Bên cạnh đó, khả năng kiếm điểm kiến tạo của McGinn cũng là rất tốt.
Anh đứng thứ 2 trong đội về số cơ hội tạo ra (75) và đứng đầu về số cơ hội rõ ràng (11).
Tuy nhiên, người chơi Fantasy có lẽ sẽ khá quan ngại về tình hình ăn thẻ của cầu thủ này.
McGinn đã nhận tổng cộng 14 thẻ vàng ở mùa giải 2018/19, nhiều thứ 2 toàn giải Championship, gấp đôi so với Hourihane.
Mặc dù vậy, khả năng kiếm điếm bonus sẽ phần nào bù lại cho McGinn, khi anh là cầu thủ đứng đầu cả đội về số pha cắt bóng, tắc bóng, tắc bóng thành công và thu hồi bóng.
Jack Grealish
Đá chính: 34 | Bàn thắng: 6 | Kiến tạo: 7
Dù Hourihane và McGinn là những người có số bàn thắng đóng góp nhiều hơn, tài năng của Jack Grealish vẫn không thể xem nhẹ.
Việc anh có tổng số lần góp công vào bàn thắng thấp hơn 2 cái tên kể trên, phần nhiều là do vắng mặt vì chấn thương trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 3.
Đội trưởng của Aston Villa có trung bình 230.4 phút đóng góp vào bàn thắng, nhỉnh hơn so với McGinn (235.5), dù kém hơn so với Hourihane (174.5).
Tuy nhiên, anh vẫn đứng đầu cả đội về số cơ hội tạo ra, dù có thời gian chơi ít hơn hẳn, đặc biệt là phần lớn trong số này là từ các tình huống phối hợp (open play), như Hourihane vượt trội ở các tình huống cố định.
Grealish có trung bình tạo ra cơ hội ghi bàn sau mỗi 38.4 phút, tốt hơn hẳn so với người có nhiều kiến tạo nhất đội là Hourihane (47.4).
Từ những phân tích trên, nếu có được một mùa giải lành lặn, cùng động lực tỏa sáng tại giải đấu cao nhất của nước Anh, Jack Grealish hoàn toàn có thể là một cái tên giá trị ở mức £6.0m.
Anwar El Ghazi
Đá chính: 28 | Dự bị: 6 | Bàn thắng: 6 | Kiến tạo: 6
Người hùng trong trận chung kết play-off, Anwar El Ghazi đã được Aston Villa chính thức mua đứt sau 1 mùa giải thành công theo dạng cho mượn từ Lille.
Trong chỉ 2,448 phút thi đấu, anh có 6 bàn và 6 kiến tạo (bao gồm ở cả play-off), với trung bình 204 phút lại góp mặt trong 1 bàn thắng, tỉ lệ tốt hơn cả McGinn lẫn Grealish.
El Ghazi cũng đồng thời có trung bình 37.7 phút lại tung ra 1 pha dứt điểm, tỉ lệ tốt hơn cả Hourihane và Grealish.
Cầu thủ người Hà Lan hứa hẹn sẽ là một cái tên khác biệt ở mức giá £5.5m.
Tammy Abraham
Đá chính: 40 | Bàn thắng: 26 | Kiến tạo: 3
Dù nhiều khả năng sẽ không còn khoác áo Villa ở mùa giải tới, Tammy Abraham vẫn sẽ có mặt trong FPL mùa tới khi phục vụ cho Chelsea, và do đó chúng ta cũng nên điểm qua thành tích của anh chàng này.
Rõ ràng việc mất đi Abraham sẽ là một tổn thất không nhỏ đối với Dean Smith, khi 26 bàn và 3 kiến tạo của tiền đạo này đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch thăng hạng của đội bóng.
Anh là điểm đến của hầu hết các pha bóng của The Villans và dĩ nhiên, đứng đầu cả đội về số pha dứt điểm, dứt điểm trong vòng cấm, dứt điểm trúng đích và số cơ hội rõ ràng có được.
So sánh với phần còn lại của giải đấu, chỉ có Teemu Pukki và Neal Maupay (Brentford) là có nhiều pha dứt điểm trong vòng cấm hơn Abraham, trong khi anh nhỉnh hơn vua phá lưới của Norwich về số pha dứt điểm trúng đích.
Bên cạnh đó, Abraham còn là chân sút penalty chính của Villa, và nếu có thể tiếp tục được đảm nhận nhiệm vụ này tại Chelsea (bởi Eden Hazard đã ra đi), anh sẽ là một cái tên hứa hẹn nhiều tiềm năng ở mùa giải tới.
Jonathan Kodjia
Đá chính: 22 | Dự bị: 19 | Bàn thắng: 9 | Kiến tạo: 2
Hiện tại, Jonathan Kodjia là tiền đạo duy nhất trong FPL 2019/20 của Aston Villa và nếu có thể tận dụng được cơ hội trước sự ra đi của Abraham, đây cũng có thể sẽ là một cái tên khác biệt.
9 bàn thắng của Kodjia chỉ kém duy nhất Abraham, dù anh không được thường xuyên đá chính.
Bên cạnh đó, những chỉ số của tiền đạo người Bờ Biển Ngà này cũng không kém bao nhiêu so với Abraham.
Kodjia có trung bình 33.4 phút tung ra 1 pha dứt điểm, so với 29.5 của Abraham, còn tỉ lệ dứt điểm trong vòng cấm là 34.1 phút – so với 38.5 của người đồng đội.
Tân binh Wesley Moraes
Mặc dù chưa chính thức ra mắt, Aston Villa vẫn đã đăng thông báo lên trang chủ về việc đạt thỏa thuận mua Wesley Moraes và chỉ còn chờ xin giấy phép lao động.
Mức giá mà đội chủ sân Villa Park phải chi được cho là £22m, phá vỡ kỉ lục £18m mà họ đã chi cho Darren Bent vào năm 2011.
Từ lí do này, nhiều khả năng Wesley sẽ là người kế thừa vị trí mà Abraham để lại, với hiện chỉ có duy nhất Jonathan Kodjia là người cạnh tranh.
Từ con số tổng 35 bàn thắng của 2 tiền đạo Villa mùa trước, Wesley rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện mình và có thể tái lập hình ảnh mà Christian Benteke đã từng trình diễn.
Tiền đạo 22 tuổi người Brazil đã có mùa giải 2018/19 khá tốt trong màu áo Brugge với 10 bàn sau 25 trận. Anh ra đi với tổng cộng 38 bàn và 14 kiến tạo trong 130 lần ra sân cho đội bóng của Bỉ.
Mặc dù vậy, khả năng hòa nhập của anh ở đội bóng mới là điều vẫn đang còn chưa rõ ràng bởi phong cách thi đấu khác hẳn so với Abraham.
Wesley Moraes là một cầu thủ cao to (1m92), chơi dựa nhiều vào sức mạnh và khả năng không chiến nhưng lại không nhanh, dứt điểm không phải quá tốt.
Trong khi Tammy Abraham là một mẫu tiền đạo toàn diện thì Wesley lại có xu hướng thiên về làm tường (target man) hơn, dù điều này có thể lại giúp ích cho các vệ tinh phía sau anh có nhiều cơ hội ghi điểm hơn.
Ngoài ra, Wesley cũng có một điểm yếu là khả năng giữ bình tĩnh khi thường xuyên gây gỗ và không ít lần bị đuổi khỏi sân.
Anh thậm chí còn gây bức xúc cho đồng đội vì giành quyền đá phạt đền trong trận đấu với KV Oostende hồi tháng 1 (dù vẫn dứt điểm thành công).
Tuy nhiên, với việc Abraham đã ra đi, Wesley có thể sẽ được giao nhiệm vụ nếu chứng tỏ được bản thân và ta có thể theo dõi thêm về cầu thủ này trong đợt pre-season sắp tới.
Tân binh Jota
Jota được Aston Villa mua về từ Birmingham City với giá £4m cộng thêm Gary Gardner.
Cầu thủ chạy cánh người TBN được xem là một sự bổ sung chất lượng bên hàng lang cánh khi anh cũng đã có mùa giải 2018/19 khá tốt với 3 bàn thắng và 11 kiến tạo.
Chỉ có 8 cầu thủ tại Championship có nhiều lần tạo cơ hội ghi bàn hơn Jota (82), trong khi số lần tạt bóng thành công của anh cũng chỉ kém 2 người.
Mặc dù vậy, phần nhiều những pha tạo cơ hội của Jota đến từ những tình huống cố định mà Villa lại đang có 2 người đang làm rất tốt là Conor Hourihane và Jack Grealish.
Bên cạnh đó, mức giá £6.0m của anh là khá cao, ngang với cả Grealish và Hourihane, trong khi khả năng hòa nhập còn chưa rõ ràng khiến đây khó có thể trở thành một lựa chọn.
Những cầu thủ khác
Những cầu thủ khác của Aston Villa hiện tại không có gì nổi bật, khi những cái tên có đóng góp không ít vào chiến tích thăng hạng của họ như Mile Jedinak, Glenn Whelan, Albert Adomah, Tommy Elphick hay cả Alan Hutton (người có tới 33 trận đá chính) đều đã bị đội bóng chấm dứt hợp đồng.
Cầu thủ 20 tuổi Andre Green, người là một phương án dự phòng cho vị trí chạy cánh, chi có 7 trận đá chính ở mùa trước dù vẫn có cho mình 1 bàn và 1 kiến tạo.
Tiền vệ kì cựu Birkir Bjarnason có 11 trận đá chính và 6 lần góp mặt từ ghế dự bị và dù có 2 bàn thắng cho mình thì khả năng vẫn chỉ là một lựa chọn dự phòng.
Tài năng trẻ một thời của Arsenal – Henri Lansbury thậm chí chỉ góp mặt được đúng 1 lần trong đội hình xuất phát và thêm 2 lần khác vào sân từ ghế dự bị.
Nguồn: Fantasy Football Scout
Phần trước: Norwich City, Sheffield United.