Đội hình thập kỉ 2010s của FPL

1754
0

Cùng với sự bùng nổ của truyền thông và đặc biệt là mạng xã hội, Fantasy Premier League (FPL) đã phát triển rất mạnh trong thập kỉ 2010s vừa qua.

Số lượng người chơi tăng lên theo từng mùa giải cùng mức độ phổ biến rộng khắp trên toàn thế giới khiến FPL là một món ăn tinh thần không thể thiếu cho những người đam mê Premier League.

Một thập kỉ đã trôi qua và giờ chúng ta sẽ cùng nhìn lại những gương mặt nổi bật nhất của FPL và chọn ra đội hình tiêu biểu trong 10 mùa giải vừa qua.

Hàng tiền đạo

Không ai có thể phủ nhận được vị trí tiền đạo số 1 của Premier League trong thập kỉ 2010s của Sergio Aguero.

Với tổng cộng 174 pha lập công, anh là người ghi nhiều bàn nhất trong thập kỉ này.

Tiền đạo người Argentina đã ghi 20+ bàn thắng trong 5 mùa giải gần nhất và khoảnh khắc anh ghi bàn quyết định vào lưới QPR để giành lấy chức vô địch cho Manchester City vào năm 2012 là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của thập kỉ này.

Bắt đầu gây sự chú ý khi tỏa sáng trong vai trò là dự bị cho Roberto Soldado, tiền đạo chỉ có giá £5.0m – Harry Kane đã từng bước trở thành chân sút hàng đầu của Premier League trong nửa sau của thập kỉ 2010s.

Với 136 bàn qua 7 mùa giải, Kane chỉ xếp sau Aguero trong danh sách những chân sút tốt nhất của giải đấu trong thập kỉ này.

Anh cũng đã có cho mình 4 mùa giải ghi 20+ bàn, đặc biệt là 29 bàn, 7 kiến tạo ở mùa giải 2016/17 để ghi 224 điểm ở FPL.

Đứng thứ 3 trong danh sách những chân sút xuất sắc nhất trong thập kỉ 2010s với 114 bàn thắng, Wayne Rooney còn là chân chuyền tốt thứ 5 với 54 kiến tạo.

Anh cũng đang là người đứng thứ 2 trong danh sách những chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử của giải đấu, với 208 bàn, chỉ kém Alan Shearer (260).

7 trong số 13 mùa giải của Rooney tại Manchester United là ở thập kỉ 2010s, và anh là thành phần quan trọng trong 2 chức vô địch cuối cùng của The Red Devils cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, trong lần trở lại khoác áo đội bóng khởi nghiệp Everton ở mùa giải 2017-18, Rooney cũng đã có những dấu ấn không nhỏ với 10 bàn thắng và 2 kiến tạo trong 31 lần ra sân.

Những cái tên ấn tượng khác:

Luis Suarez là một cái tên rất đặc biệt trong tiềm thức của người chơi FPL với mùa giải chói sáng 2013/14, khi anh ghi 295 điểm FPL, một kỉ lục chỉ bị phá bởi một cầu thủ Liverpool khác vào 4 năm sau.

Robin Van Persie là ông vua ghi điểm tại FPL trong 2 mùa giải liên tiếp 2011/12, 2012/13.

Anh có 269 điểm FPL từ 30 bàn, 9 kiến tạo trong màu áo Arsenal và sau đó là 262 điểm với 26 bàn, 9 kiến tạo cho Man United trong mùa giải cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Bắt đầu gây chú ý ở nửa cuối mùa giải 2014/15, Jamie Vardy giờ đã là tay săn bàn số 1 ở Premier League.

Kì tích của Leicester khi đăng quang tại mùa giải 2015/16 có đóng góp không nhỏ đến từ 24 bàn thắng và 8 kiến tạo của Vardy.

Anh cũng đang có phong độ rất tốt ở mùa giải năm nay và đang trên đường phá vỡ kỉ lục 211 điểm FPL của bản thân đã có được ở mùa giải kể trên.

Hàng tiền vệ

Bất chấp việc là một trong những con hàng thuộc dạng “troll” nhất của FPL, Eden Hazard vẫn là tiền vệ ghi nhiều bàn nhất trong thập kỉ 2010s ở Premier League (85), bên cạnh 54 kiến tạo.

Hazard đồng thời còn là người dẫn đầu về số pha qua người thành công (909), nhiều hơn 185 lần so với người xếp thứ 2, Wilfried Zaha (724).

Ngôi sao người Bỉ là ông vua ghi điểm ở FPL mùa giải 2014/15, với 14 bàn và 9 kiến tạo, anh ghi được số điểm 233, nhiều hơn 17 điểm so với người gần nhất – Aguero.

Chân chuyền bậc nhất trong thập kỉ với 89 đường kiến tạo, tiền vệ tài hoa, nhà phù thủy David Silva xứng đáng có một tên trong danh sách này, bất chấp việc chưa có mùa nào ghi nhiều hơn 200 điểm tại FPL.

Thành tích tốt nhất của anh là ở mùa giải 2014/15, với 191 điểm từ 12 bàn, 12 kiến tạo.

Tiền vệ người TBN cũng đứng đầu thập kỉ về tổng số cơ hội tạo ra (768) cũng như tổng số đường chuyền thành công (15.730).

Bất chấp việc chỉ mới tỏa sáng ở 3 mùa giải gần đây, người ghi nhiều điểm nhất trong 1 mùa giải FPL – Mohamed Salah cũng không thể không góp mặt trong đội hình tiêu biểu.

Với 23 bàn, 12 kiến tạo ở mùa giải 2017/18, Salah là người duy nhất cho đến giờ vượt qua cột mốc 300 điểm ở FPL (303).

259 điểm của anh ở mùa giải trước cũng là nhiều hơn bất kì cầu thủ nào, và anh cũng đang trên đường có thêm 1 mùa giải 200+ trong năm nay.

Dù không có được danh hiệu nào và chưa từng là lựa chọn hạng sang số 1 tại FPL, người viết vẫn muốn ưu tiên suất cuối cùng trên hàng tiền vệ cho Christian Eriksen.

Là chân chuyền tốt thứ 2 trong thập kỉ, với 62 pha kiến tạo, Eriksen cũng có cho mình 51 bàn thắng trong 223 trận ra sân cho đến thời điểm hiện tại.

Mùa giải tốt nhất của anh là 2016/17, với 218 điểm ghi được sau 8 bàn thắng và 20 kiến tạo.

Eriksen cũng đã có 5 mùa giải liên tiếp ghi ít nhất 161 điểm, cùng ít nhất 14 bàn thắng đóng góp mỗi mùa.

Những cái tên ấn tượng khác:

Sau thời đại của Van Persie, Arsenal có được một cầu thủ có khả năng “gánh team” khác là Alexis Sanchez.

Trong 4 mùa giải chơi tại London, cầu thủ người Chile đều có ít nhất 18 bàn thắng đóng góp mỗi mùa và đỉnh cao là mùa giải 2016/17.

Với 24 bàn thắng, 11 kiến tạo và 32 điểm bonus, Sanchez ghi 264 điểm, số điểm nhiều thứ 4 trong thập kỉ này của FPL.

Là người chơi ấn tượng nhất trong mùa giải đăng quang 2013/14 của Manchester City, Yaya Toure là một trong những tiền vệ box-to-box hay nhất trong thập kỉ này của Premier League.

Với 20 bàn và 9 kiến tạo, Toure ghi 241 điểm ở mùa giải này, chỉ kém duy nhất Suarez.

Với 77 bàn thắng, Raheem Sterling là tiền vệ ghi bàn tốt thứ 2 trong thập kỉ 2010s ở Premier League, chỉ kém Hazard.

Anh có 3 mùa giải chơi cho Liverpool nhưng chỉ tỏa sáng rực rỡ khi được dẫn dắt bởi Pep Guardiola khi cải thiện được rất nhiều khả năng ghi bàn của mình.

Sterling đã có 2 mùa giải liên tiếp vừa qua ghi trên dưới 230 điểm, chỉ kém ông vua Salah.

Ra mắt giải đấu với tư cách là một hậu vệ trái ở Southampton, để rồi tỏa sáng rực rỡ khi chuyển đến Spurs và được chơi dâng cao ở vị trí tấn công, Gareth Bale đã có 2 mùa giải chói sáng ở FPL (2011/12 với 195 điểm và 2012/13 với 249 điểm), trước khi chuyển đến Real Madrid.

Ngôi sao sáng nhất tại FPL trong mùa giải đăng quang của The Foxes không phải Vardy mà là Riyad Mahrez.

Với giá chỉ £5.5m khi mùa giải bắt đầu, anh ghi 17 bàn, 11 kiến tạo cũng như 38 điểm bonus để có 240 điểm, nhiều hơn 29 điểm so với bất kì cầu thủ nào khác và là một trong những hàng “ngon bổ rẻ” tốt nhất trong lịch sử FPL.

Sự nghiệp của Steven Gerrard đã trải dài qua 3 thập kỉ Premier League, và những năm tháng đẹp nhất của anh đã là ở những năm 2000s.

Dấu ấn của anh ở thập kỉ này là mùa giải 2013/14, khi ghi 13 bàn, kiến tạo 13 bàn khác, với tổng cộng 205 điểm từ 33 trận đá chính, số điểm chỉ kém Yaya Toure (241) trong số các tiền vệ.

Tương tự với Frank Lampard, dù đã không còn ở thời kì đỉnh cao, anh cũng đã duy trì thành tích ít nhất 10 bàn/mùa trong giai đoạn từ 2010 đến 2013, trong đó có 15 bàn, 1 kiến tạo sau chỉ 21 trận đấu chính ở mùa giải 2012/13.

HLV hiện tại của Chelsea là tiền vệ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử Premier League (177) và xếp thứ 3 trong danh sách những người có số trận ra sân nhiều nhất giải đấu (609), chỉ sau Gareth Barry (653) và Ryan Giggs (632).

Định nghĩa về “cầu thủ 1 mùa” thường khiến người ta nhớ đến Michu, khi anh tỏa sáng rực rỡ trong màu áo Swansea City ở mùa giải 2012/13, nhưng lại sớm lụi tàn.

Từ cái giá £6.5m, Michu kết thúc mùa giải cán mốc £8.5m, sau 18 bàn và 3 kiến tạo, ghi tổng cộng 190 điểm FPL.

Hàng hậu vệ

Là hậu vệ có giá cao nhất trong lịch sử FPL, với mức khởi điểm £8.0m ở mùa giải 2011/12, Leighton Baines cũng đồng thời là hậu vệ ghi nhiều bàn nhất trong thập kỉ 2010s tại Premier League, với 27 lần lập công.

Là một “thợ tạt” đích thực cũng như là chân sút phạt chính của đội bóng, thậm chí lãnh trách nhiệm đá phạt đền, Baines có 2 lần là hậu vệ ghi điểm nhiều nhất tại FPL, mùa giải 2010/11 với 178 điểm và mùa giải 2012/13 với 177 điểm, bên cạnh 169 điểm ở mùa giải 2013/14, đứng thứ 3.

Vào ngày 15 tháng 4, 2017, anh trở thành hậu vệ đầu tiên đạt đến cột mốc 50 kiến tạo tại Premier League, và hiện đã có 63.

Dù thập kỉ này nằm ở giai đoạn nửa sau của sự nghiệp, John Terry vẫn là đội trưởng của Chelsea giành 8 danh hiệu quan trọng, trong đó có 3 chức vô địch Premier League và 1 Champions League trong thập kỉ này.

Anh cũng có tổng cộng 65 trận giữ sạch lưới ở thập kỉ này, bên cạnh 23 bàn thắng ghi được, con số chỉ kém Baines trong số các hậu vệ.

Cùng có 3 chức vô địch Premier League, Branislav Ivanovic là một hậu vệ cánh có khả năng tấn công rất tốt và ghi nhiều dấu ấn trong FPL.

Tổng cộng 22 bàn thắng mà anh ghi được chỉ kém 2 hậu vệ khác trong thập kỉ này ở Premier League.

Đặc biệt ở mùa giải 2014/15, Ivanovic là hậu vệ ghi điểm số 1 tại FPL với 179 điểm, sau 4 bàn, 6 kiến tạo và 18 lần giữ sạch lưới.

179 điểm mà Ivanovic ghi được là con số nhiều thứ 5 của 1 hậu vệ ở 1 mùa giải FPL, chỉ kém Seamus Coleman (180 mùa 2013/14) và bộ ba hậu vệ Liverpool ở mùa giải 2018/19.

Những cái tên ấn tượng khác:

César Azpilicueta là một cái tên dù thầm lặng nhưng khả năng kiếm điểm lại rất đáng nể trong những năm qua.

Dù chưa có mùa nào có tổng bàn thắng đóng góp vượt quá con số 10, hậu vệ người TBN lại có khả năng kiếm bonus cực tốt để bù lại.

Tổng điểm mà anh kiếm được trong 3 mùa giải trước là ngang bằng với Marcos Alonso, người có hơn anh 9 bàn thắng đóng góp, và hoàn toàn vượt trội trong những mùa giải trước đó.

Azpillicueta luôn chơi ổn định trong suốt 7 mùa giải vừa qua và luôn đảm bảo một suất đá chính dù trải qua 7 đời HLV khác nhau của đội bóng.

Là hòn đá tảng và là nhân tố quan trọng trong 4 chức vô địch của Manchester City trong thập kỉ này, Vincent Kompany có tổng cộng 83 lần giữ sạch lưới, bên cạnh 17 bàn thắng và 8 kiến tạo trong thập kỉ 2010s.

Thủ môn

Thủ môn kiếm điểm FPL tốt nhất của thập kỉ 2010s là Joe Hart, người đã có 3 lần liên tiếp là thủ môn ghi nhiều điểm nhất game (từ 2010/11 đến 2012/13), cũng như là thủ môn đắt nhất, với mức giá khởi điểm £7.0m, trong 2 mùa giải liên tiếp.

Số trận giữ sạch lưới của Hart (105) chỉ kém duy nhất Petr Cech (107) trong thập kỉ này, trong khi số pha cứu thua của anh (703) cũng chỉ kém 5 người khác.

Tuy nhiên, nếu nói về giá trị đầu tư, thì cựu thủ môn của Man City lại không bì được với 2 cái tên giá rẻ Ben FosterLukasz Fabianski.

Mặc dù có tổng số pha cứu thua ít hơn Foster (738 so với 996) và có số trận giữ sạch lưới ít hơn (58 so với 74), tuy nhiên về phương diện FPL, Fabianski lại có phần nhỉnh hơn, đặc biệt là trong 5 mùa giải gần nhất.

Số điểm tốt nhất mà Fabianski có được (157) cũng cao hơn so với Foster (153), ngoài ra số mùa giải có được 140+ điểm của anh cũng nhiều hơn (3 so với 2).

Đội hình tiêu biểu của cả thập kỉ

Đội hình những cái tên ghi điểm xuất sắc nhất trong 1 mùa giải.

* Vì hàng thủ Liverpool ở mùa giải 2018/19 quá bá đạo về điểm số nên chỉ lấy 2 nhân vật tiêu biểu trong đội hình trên.

Facebook Comments