World Cup 2018 – Đánh giá bảng A

1529
0

Bảng A được đánh giá là khá vừa sức cho đội chủ nhà Nga. Ngoài Urugoay tỏ ra nhỉnh hơn thì đối thủ trực tiếp của Nga cạnh tranh suất vào vòng sau là Ai Cập. Saudi Arabia được đánh giá là đội yếu nhất bảng này.

1. URUGOAY

Urugoay đã từng 12 lần tham dự World Cup và 2 lần giành chức vô địch vào năm 1930 (lần đầu tổ chức) và 1950. Hiện đội bóng này đang xếp vị trí thứ 17 trên bảng xếp hạng của FIFA. Urugoay xếp thứ 2 tại vòng loại Nam Mỹ, chỉ sau đội đầu bảng Brazil.

Urugoay được đánh giá là đội sẽ đứng đầu bảng A và có thể lọt sâu ở giải đấu này. Ngoài sự chắc chắn trong phòng ngự với thủ lĩnh Diego Godin và hàng công cực mạnh với bộ đôi Suarez – Cavani, Urugoay đã được nâng cấp nhiều hơn về chất lượng hàng tiền vệ.

Trong quá khứ, Uruguay thường nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ, chơi rình rập và thiếu sáng tạo. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Matias Vecino ở hàng tiền vệ, họ đã chủ động chơi kiểm soát bóng nhiều hơn, chơi biến hóa hơn và do đó càng tăng cường thêm sự nguy hiểm của hàng công.

Thông số vòng loại:

Đá chính nhiều nhất: Fernando Muslera (17), Diego Godin (16), Edinson Cavani (15), Carlos Sanchez (14), Luis Suarez (13).

Ghi bàn nhiều nhất: Cavani (10), Suarez (5), Godin + Martin Caceres (3).

Kiến tạo nhiều nhất: Suarez (8), Sanchez (7).

Những cầu thủ đáng chú ý:

Luis Suarez: Ngôi sao sáng nhất của Urugoay, là người có đóng góp lớn trong chiến dịch vòng loại của Urugoay trong cả ghi bàn và kiến tạo. Suarez cũng là ưu tiên số 1 cho việc thực hiện các quả phạt đền.

Edinson Cavani: Là chân sút số một trên hàng công của Urugoay, Cavani cũng nguy hiểm không kém gì Suarez. Cavani là người lãnh trách nhiệm đá penalty khi Suarez vắng mặt.

Diego Godin: Hòn đá tảng và là thủ lĩnh ở hàng phòng ngự của Urugoay. Godin có 12 trận giữ sạch lưới trong 25 trận gần nhất. Ngoài ra, Godin cũng rất hay ghi bàn trong những tình huống cố định.

Dự kiến đội hình xuất phát:

Muslera
Varela – Giminez – Godin – Laxalt
Nandez – Vecino – Bentancur – Rodriguez
Suarez – Cavani

Martin Caceres có thể sẽ thay vị trí của Diego Laxalt nếu đủ thể lực ra sân. Giorgian De Arrascaeta sẽ cạnh tranh với Cristian Rodríguez một vị trí trong đội hình xuất phát. Urugoay có thể chuyển sang sơ đồ 4-3-1-2 với Arrascaeta đá sau lưng 2 tiền đạo.

2. NGA (RUSSIA)

Đội chủ nhà đã từng 11 lần tham dự các kì World Cup với thành tích cao nhất là đứng thứ 4 năm 1966. Đội bóng này đang xếp vị trí thứ 66 trên bảng xếp hạng của FIFA.

Đoàn quân của Stanislav Cherchesov có khả năng tấn công khá tốt. Họ từng hòa 3-3 với TBN hồi tháng 11. Đó là lần đầu tiên nhà cựu vô địch World Cup để thủng lưới hơn 2 bàn trong một trận đấu kể từ trận thua 1-5 trước Hà Lan cách đây 4 năm.

Điểm yếu của Nga nằm ở hàng thủ khi họ không có nhiều sự lựa chọn, phần lớn bởi những chấn thương. Họ đều để thủng lưới 3 bàn trong 3 trận giao hữu với TBN, Brazil và Pháp, dù đây đều là những ông lớn.

Thông số (Giao hữu + Confederations Cup):

Đá chính nhiều nhất: Fedor Kudryashov (16), Alexandr Samedov (15), Igor Akinfeev (14), Fedor Smolov (13), Yuri Zhirkov (11), Denis Glushakov (10).
Ghi bàn nhiều nhất: Fedor Smolov (6), Aleksei Miranchuk (3), Alexandr Samedov (3).
Kiến tạo nhiều nhất: Alexander Samedov (7), Dmitri Kombarov (3), Aleksandr Erokhin, Aleksandr Kokorin, Aleksei Miranchuk, Roman Zobnin (đều 2).

Những cầu thủ đáng chú ý:

Aleksandr Golovin: Là ngôi sao sáng nhất trong thế hệ trẻ của đội tuyển Nga. Với lối chơi nhanh nhẹn và kỹ thuật, Golovin chơi tốt ở cả tuyến giữa lẫn trên hàng công. Dù tịt ngòi trong màu áo đội tuyển kể từ tháng 3-2016, Golovin vẫn có một mùa bóng tốt ở CLB. Anh có 5 bàn, 3 kiến tạo trong 26 trận cho CSKA ở giải VĐQG và 2 bàn ở Europa League.

Fedor Smolov: Tiền đạo chủ lực của đội tuyển Nga. Anh cũng là vua phá lưới ở giải quốc nội mùa bóng 2016/17 với 18 bàn, và xếp thứ 2 mùa này với 14 bàn. Trong 5 trận gần nhất trong màu áo CLB, cầu thủ 28 tuổi này đã ghi 2 bàn và 4 kiến tạo. Một sự chuẩn bị khá hoàn hảo cho World Cup. Smolov có 12 bàn/30 trận khoác áo ĐTQG, một nửa trong số đó đến trong 2 năm gần đây với 2 trong số đó là vào lưới TBN hồi tháng 11.

Alexandr Samedov: Là chân chuyền chính của đội chủ nhà, với 7 kiến tạo trong 18 trận đấu kể từ Euro 2016, bên cạnh đó là 3 bàn thắng trong giai đoạn này. Ngôi sao 33 tuổi của Spartak Moscow là chân sút phạt và cũng đảm nhiệm đá phạt đền tay cho tiền đạo Aleksandr Kokorin bị chấn thương.

Dự kiến đội hình xuất phát:

Akinfeev
Granat – Ignashevich – Kurdryashov
Samedov – Zobnin – Kuzyaev – Golovin – Zhirkov
A. Miranchuk – Smolov

Ilya Kutepov có thể cạnh tranh cho một suất ở bộ ba trung vệ. Trong khi Alan Dzagoev, ngôi sao của Euro 2012, có thể sẽ đá chính thay Kuzyaev hoặc Miranchuk nếu hoàn toàn khỏe mạnh.

3. AI CẬP (EGYPT)

Ai Cập chỉ mới 2 lần tham dự World Cup và đều dừng chân tại vòng bảng ở các năm 1934 và 1990. Đội bóng này đang xếp vị trí thứ 46 trên bảng xếp hạng của FIFA. Ai Cập giành quyền vào vòng Chung kết nhờ đứng đầu tại Bảng E vòng loại thứ 3 ở Châu Phi.

Hy vọng tiến sâu của Ai Cập tại World Cup bị giánh một đòn mạnh với chấn thương của Mohamed Salah. Mặc dù vẫn có mặt trong danh sách chính thức và đội ngũ y tế của đội tuyển vẫn rất lạc quan về tình hình của Salah, tuy nhiên chấn thương cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến phong độ của ngôi sao này.

Ngoài Salah, điểm mạnh nhất của Ai Cập dưới thời Hector Cuper là hàng phòng ngự. Họ chơi lùi sâu, an toàn kể cả khi đối đầu với các đối thủ vừa tầm tại Châu Phi.

Thông số (Vòng loại thứ 3 WC + Giải Vô địch Châu Phi 2017):

Đá chính nhiều nhất: Mohamed Elneny (12), Tarek Hamed, Mohamed Salah (11), Essam El-Hadary (10), Ahmed Fathi, Ali Gabr, Ahmed Hegazi (8), Mohamed Abdel-Shafy, Trezeguet (7)
Ghi bàn nhiều nhất: Mohamed Salah (7), Abdallah El-Said (3).
Kiến tạo nhiều nhất: Mohamed Salah (4), Trezeguet (3).

Những cầu thủ đáng chú ý:

Mohamed Salah: Ngôi sao sáng giá nhất của đội tuyển Ai Cập. Salah góp công vào 12 bàn thắng/12 trận cho ĐTQG (vòng loại, cup Châu lục và giao hữu) kể từ tháng 10/2016, với 8 bàn, 4 kiến tạo. Tuy nhiên, tình hình chấn thương của Salah đang làm tất cả lo ngại. Theo thông tin ban đầu, Salah sẽ vắng mặt trong trận đấu ở vòng 1 với Urugoay và hy vọng có thể bình phục cho trận quyết định với đội tuyển Nga.

Abdallah El-Said: El-Said là cầu thủ chơi ở vị trí số 10 của Ai Cập, là người thường xuyên cung cấp cơ hội cho Salah cũng như các đồng đội khác. Anh cũng đã có 3 bàn, 2 kiến tạo cho ĐTQG trong các chiến dịch kể trên. Khi Salah không kịp bình phục, El-Said sẽ là cái tên dẫn dắt hàng công của đội bóng.

Mahmoud Hassan: Còn được biết đến với cái tên Trezeguet, Hassan đã có 3 kiến tạo trong chiến dịch vòng loại World Cup và có thể tỏa sáng khi Salah vắng mặt. Ở cấp độ CLB, Trezeguet cũng đã có một mùa giải tốt khi ghi 13 bàn, kiến tạo 6 bàn khác trong 31 lần ra sân trong màu áo Kasimpas ở giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ.

Ahmed Hegazi: Là hạt nhân trong hàng thủ của đội tuyển Ai Cập, Hegazi kiếm được 4 trận giữ sạch lưới ở cup Châu Phi 2017 vừa qua. Hegazi cũng khá nguy hiểm trong các pha lên tham gia tấn công với 2 bàn thắng tại giải Ngoại hạng.

Dự kiến đội hình xuất phát:

El-Hadary
Fathi – Ali Gabr – Hegazi – Abdel-Shafy
El Neny – Hamed
Salah – El-Said – Trezeguet
Mohsen

Nếu Salah không kịp bình phục, Ramadan Sobhi hoặc Shikabala sẽ được chọn thay thế trong đội hình xuất phát. Morsy sẽ thay thế El Neny nếu cần thiết.

4. Ả RẬP XÊ ÚT (SAUDI ARABIA)

Saudi Arabia đã 4 lần tham dự World Cup với thành tích tốt nhất là lọt vào vòng 16 đội năm 1994. Đội bóng này đang xếp vị trí thứ 67 trên bảng xếp hạng của FIFA, thấp nhất trong số các đội dự WC lần này. Saudi Arabia giành quyền vào vòng Chung kết khi đứng thứ 2 tại bảng B vòng loại thứ 3 ở Châu Á.

Cùng với Nhật Bản, Saudi Arabia, là đội ghi được nhiều bàn nhất ở vòng loại thứ 3 (17). Tuy nhiên, đội bóng này lại liên tục thay đổi huấn luyện viên khiến cho việc đánh giá họ trở nên khó khăn hơn.

Bert Van Marwijk, người từng đưa Hà Lan tới trận Chung kết World Cup 2010, đã ra đi hồi tháng 9 vì không đồng ý với bản hợp đồng mới. Đây là tổn thất lớn với đội tuyển nước này vì Marwijk là người xây dựng lối chơi cho họ cũng như hiểu rất rõ các cầu thủ. Người thay thế ông sau đó là Edgardo Bauza cũng nhanh chóng bị sa thải chỉ sau 5 trận đấu.

Dẫn dắt Saudi Arabia ở World Cup lần này sẽ là Juan Antonio Pizzi, người từng dẫn dắt Chile vô địch Copa America năm 2016. HLV người TBN cho đội bóng của mình chơi kiểm soát bóng nhiều hơn thay vì lối chơi trực diện mà Van Marwijk đã từng áp dụng.

Thông số:

Vòng loại World Cup:

Đá chính nhiều nhất: Salman Al-Faraj, Taiseer Al-Jassim, Omar Hawsawi (10), Nawaf Al-Abed, Abdulmalek Al-Khabri, Yahya Al-Shehri, Osama Hawsawi (9).
Ghi bàn nhiều nhất: Nawaf Al-Abed (5), Fahad Al-Muwallad, Mohammad Al-Sahlawi, Yahya Al-Shehri (2).
Kiến tạo nhiều nhất: Taiseer Al-Jassim (3), Nawaf Al-Abed, Hassan Muath Fallatah (2).

Các trận giao hữu (từ 05/08/2017)

Đá chính nhiều nhất: Omar Hawsawi (8), Yasser Al-Shahrani, Osama Hawsawi (7), Taiseer Al-Jassim, Abdullah Otaif (6).
Ghi bàn nhiều nhất: Salem Al-Dawsari, Salman Al-Faraj, Taiseer Al-Jassim (2).
Kiến tạo nhiều nhất: Mohamed Al-Sahlawi (3), Mohamed Al-Kwikbi (2).

Những cầu thủ đáng chú ý:

Mohammad Al-Sahlawi: Là chân sút chủ lực của Saudi Arabia, với 28 bàn/37 trận cho ĐTQG, trung bình 0.76 bàn/trận. Trong số này có 2 bàn ở vòng loại, 3 bàn trong các trận giao hữu. Ngoài ra, anh cũng có cú hat-trick kiến tạo trong trận đấu với Australia hồi tháng 6-2017. Hồi tháng 4 vừa rồi, Al-Sahlawi cũng có 3 tuần tập luyện tại Manchester United để chuẩn bị cho World Cup.

Fahad Al-Muwallad: Là ngôi sao trẻ của đội tuyển Saudi Arabia và là mũi tấn công nguy hiểm bên phải. Tuy nhiên, cầu thủ 23 tuổi này không có nhiều đóng góp cho đội tuyển trong thời gian qua. Cầu thủ chạy cánh của Al Ittihad ghi 2 bàn trong suốt vòng loại và chỉ góp mặt 2 trận kể từ khi HLV Pizzi lên nắm quyền. Al-Muwallad cũng chỉ có đúng 25 phút trong màu áo của Levante qua 2 lần ra sân từ ghế dự bị ở La Liga. Mặc dù thời gian thi đấu hạn chế, Al-Muwallad vẫn là một gương mặt được đánh giá cao bởi tài năng của mình và là niềm hy vọng của đội tuyển Saudi Arabia tại World Cup năm nay.

Dự kiến đội hình xuất phát:

Al-Muaiouf
Al-Burayk – Omar Hawsawi – Osama Hawsawi – Al-Shahrani
Otayf – Al Faraj
Al-Muwallad – Al-Shehri – Al-Dawsari
Al-Sahlawi

Đọc thêm:

Bảng B: TBN, BDN, Morocco, Iran

Bảng C: Pháp, Đan Mạch, Peru, Australia

Bảng D: Argentina, Croatia, Nigeria, Iceland

Bảng E: Brazil, Thụy Sĩ, Costa Rica, Serbia

Bảng F: Đức, Mexico, Thụy Điển, Hàn Quốc

Bảng G: Anh, Bỉ, Tunisia, Panama

Bảng H: Colombia, Senegal, Ba Lan, Nhật Bản

Facebook Comments