World Cup 2018 – Đánh giá bảng F

1399
0

Cũng giống như Brazil ở bảng bên cạnh, sẽ là bất ngờ lớn nếu đội tuyển Đức không chiếm được ngôi đầu F. Chiếc vé còn lại vào vòng knock-out có vẻ đang nghiêng về Mexico với kinh nghiệm dày dặn ở World Cup. Trong khi đó, Thụy Điển và Hàn Quốc đang có nhiều hạn chế, đặc biệt là ở hàng công.

1. ĐỨC (GERMANY)

Đức đã 18 lần tham dự World Cup và từng 4 lần vô địch giải đấu vào các năm 1954, 1974, 1990 và 2014. Họ đang là đội đứng đầu BXH của FIFA.

Nhà ĐKVĐ đã giành quyền đến Nga bảo vệ danh hiệu với ngôi vị nhất bảng C vòng loại châu Âu.

Đức đã thống trị bảng đấu một cách không thể thuyết phục hơn với 10 trận toàn thắng cùng hiệu số +39. Họ ghi được 43 bàn, trung bình 4.3 bàn/trận và chỉ để thủng lưới đúng 4 lần.

Tham dự Confederations Cup năm ngoái tại Nga, Joachim Löw cũng chỉ cần đưa đội hình 2 đi để đoạt cup.

Đội hình năm nay của Đức thậm chí còn được đánh giá mạnh hơn so với chính họ cách đây 4 năm. Việc mất Phillip Lahm (giải nghệ) không làm họ yếu đi bao nhiêu khi đã có một Joshua Kimmich đang ngày một tiến bộ. Vị trí tiền đạo cắm mà lão tướng Miroslav Klose cũng được thay thế bởi một Timo Werner trẻ trung hơn, tốc độ hơn và phối hợp với hệ thống tốt hơn.

Độ dày về đội hình của những cỗ xe tăng thậm chí khiến Leroy Sane, cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải Ngoại hạng mùa bóng 2017/18, người có tới 10 bàn, 15 kiến tạo cho Manchester City cũng phải ngồi nhà.

Joachim Low thường sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 nhưng hoàn toàn có thể biến đổi sang 4-3-3 hay thậm chí 3-4-3 hay 3-5-2 một cách nhuần nhuyễn ngay trong trận đấu. Với những tài năng hàng đầu thế giới trong tay, Low đã xây dựng chiến thuật dựa trên khả năng gây áp lực cao, phản công nhanh, chuyền bóng chính xác và di chuyển không bóng thông minh. Những hậu vệ của Đức giỏi trong việc kiểm soát bóng, trong khi những cầu thủ chạy cánh cũng là những chuyên gia trong những pha chạy cắt vào trong (cutting inside).

Nếu có yếu điểm nào mà đối thủ của ĐT Đức có thể khai thác thì đó chỉ có thể là vị trí hậu vệ trái. Jonas Hector là một cầu thủ tốt, nhưng trình độ lại có cách biệt so với các vị trí còn lại. Ngoài ra, tình trạng thể lực của thủ môn số 1 Manuel Neuer và chân chuyền số 1 Mesut Ozil cũng sẽ khiến các CĐV của họ có đôi chút bất an.

Mặc dù chơi không mấy ấn tượng trong những trận giao hữu, ĐT Đức vẫn hoàn toàn đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để biết họ cần phải làm gì khi giải đấu chính bắt đầu. Họ có thể sẽ là đội đầu tiên sau Brazil của Pele 2 lần liên tiếp vô địch thế giới (1958-1962).

THÔNG SỐ (vòng loại WC):

Đá chính nhiều nhất: Joshua Kimmich (10), Thomas Muller (9), Jonas Hector, Mats Hummels (8), Julian Draxler, Toni Kroos (7).

Ghi bàn nhiều nhất: Muller (5), Draxler, Leon Goretzka, Timo Werner (3), Kimmich, Hector, Sami Khedira, Mario Gomez (2).

Kiến tạo nhiều nhất: Kimmich (9), Muller (7), Hector, Mesut Ozil (4).

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Joshua Kimmich: Anh được xem là người kế thừa vị trí mà Phillip Lahm để lại bởi có cùng dáng người nhỏ nhắn, cùng khả năng chuyền bóng và tạt bóng tốt, cũng như cách chơi bóng thông minh. Dù vẫn chưa đạt đến đẳng cấp của người đàn anh, Kimmich lại chứng tỏ mình ở khả năng tấn công hơn hẳn người tiền nhiệm. Hậu vệ cánh của Bayern Munich là người góp công vào 11 bàn thắng của đội tuyển ở vòng loại, chỉ sau Thomas Mueller (12) với 2 bàn thắng và 9 kiến tạo. Kimmich từng được Pep Guardiola đánh giá rất cao và thậm chí được người thầy ở đội tuyển ca ngợi là tài năng lớn nhất mà ông từng thấy.

Thomas Muller: Được xem là tiền đạo “ảo” hay nhất thế giới, Muller có khả năng đánh hơi bàn thắng một cách tài tình. Anh có 5 bàn thắng ở vòng loại cũng như 7 lần kiến tạo cho các đồng đội và là người đóng góp vào nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển. Muller cũng là một chân sút có hạng ở World Cup với 5 bàn trong mỗi giải đấu trước đó vào năm 2010, 2014 và hoàn toàn có thể lập lại thành tích này ở Nga sắp tới.

Mesut Ozil: Mặc dù không được đá chính nhiều ở vòng loại, tiền vệ của Arsenal vẫn là một cái tên chủ chốt trong hệ thống chiến thuật của Joachim Low. Ozil có mặt trong đội hình xuất phát ở 4/5 trận giao hữu gần nhất và có 1 bàn thắng cùng 1 kiến tạo. Ở vòng loại Ozil cũng có cho mình 1 bàn thắng, 4 kiến tạo chỉ sau 5 trận đá chính. Nếu khỏe mạnh, Ozil hoàn toàn có thể là ngôi sao sáng nhất của vòng chung kết World Cup năm nay.

Timo Werner: Tài năng trẻ trên hàng tiền đạo Timo Werner được kì vọng là sẽ thay thế xứng đáng vị trí mà Miroslav Klose để lại bởi lối chơi nhanh nhẹn, cơ động cũng như không thiếu duyên với các bàn thắng. Tiền đạo của RB Leipzig có cho mình 3 bàn thắng chỉ sau 2 trận được đá chính ở vòng loại và có mặt trong đội hình ra sân từ đầu ở 3/5 trận giao hữu gần nhất, ghi 1 bàn. Anh cũng đang có phong độ xuất sắc ở cấp CLB khi đã ghi 34 bàn sau 63 trận ra sân ở Bundesliga.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Neuer
Kimmich – Boateng – Hummels – Hector
Khedira – Kroos
Muller – Ozil – Reus
Werner

Julian Draxler khả năng sẽ đá chính nếu Mesut Ozil không đủ thể lực ra sân hoặc có thể cạnh tranh trực tiếp với Marco Reus cho vị trí bên cánh trái.

2. MEXICO

Mexico đã 16 lần tham dự World Cup với thành tích tốt nhất là 2 lần vào đến Tứ kết vào năm 1970 và 1986. Họ đang đứng thứ 15 trên BXH của FIFA.

Mexico là đội bóng đầu tiên ở CONCACAF vượt qua vòng loại, họ làm được điều này trước 3 vòng đấu.

Mexcio chỉ thua duy nhất 1/16 trận tại vòng loại – đó là trận đấu cuối cùng – 2-3 trước Honduras – khi chiếc vé đến Nga của họ đã được đảm bảo. Mexico cũng là đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất (16) và để lọt lưới ít nhất (7) ở vòng loại CONCACAF.

HLV Juan Carlos Osorio thường triển khai linh hoạt các sơ đồ chiến thuật ở vòng loại và các trận giao hữu với những cầu thủ đa năng có thể chơi được nhiều vị trí. Ông rất hay xoay vòng cầu thủ và biến đổi đội hình thi đấu thậm chí ngay trong trận một cách linh hoạt.

Mexico có thể chơi với đội hình 4-3-3, 4-2-3-1, 4-1-4-1 hay cả 3-4-3, 3-3-3-1 tùy thuộc vào từng đối thủ khác nhau. Nhiều cầu thủ lúc thì chơi trung vệ, lúc thì đá hậu vệ biên khi thì lên đá tiền vệ. Điều này sẽ khiến những đối thủ ở vòng bảng của họ gặp khó khăn trong việc nắm bắt hoặc phán đoán được chiến thuật mà họ sẽ sử dụng.

Đội hình của Mexico có một bộ ba tấn công nguy hiểm với Chicharito ở trên cùng và hai bên cánh là tài năng trẻ Hirving Lozano cùng cầu thủ đầy kinh nghiệm Carlos Vela.

Tuy nhiên, hàng phòng ngự của họ lại không được đánh giá cao về sự ổn định. Bên cạnh đó là sự thiếu vắng của một tiền vệ phòng ngự đích thực và người được giao vị trí này là Herrera thường xuyên dâng cao và để lộ khoảng trống ngay trước mặt hàng hậu vệ.

Ngoài ra, phong độ của họ ở các giải đấu lớn gần đây không được tốt lắm. Họ thất bại ê chề 0-7 trước Chile ở Tứ kết Copa America 2016, bị đội hình 2 của đội tuyển Đức làm gỏi 4-1 ở Confederations Cup 2017 và thua Jamaica ở bán kết Gold Cup.

Mặc dù vậy, Mexico vẫn là một đội bóng đầy kinh nghiệm ở đấu trường World Cup, đặc biệt là trong việc vượt qua vòng bảng. Cùng với Brazil và Đức, Mexico là đội duy nhất lọt vào vòng knock-out trong cả 6 kì World Cup gần đây nhất.

Đội hình 23 người đến Nga của Mexico cũng là những cầu thủ dày dặn, với 15 người đã từng thi đấu tại Brazil 4 năm trước. Đặc biệt trong số này là hậu vệ 39 tuổi Rafael Marquez, người sẽ có World Cup thứ 5 trong sự nghiệp.

THÔNG SỐ (vòng loại WC+Play-off):

Đá chính nhiều nhất: Diego Reyes, Hector Herrera (8), Guillermo Ochoa, Hector Moreno, Javier Hernandez (7), Miguel Layun, Carlos Vela, Jonathan dos Santos (6), Giovani dos Santos, Raul Jimenez, Carlos Salcedo (5)

Ghi bàn nhiều nhất: Hirving Lozano (3), Javier Hernandez, Carlos Vela (2)

Kiến tạo nhiều nhất: Miguel Layun, Carlos Vela (3), Hector Herrera, Jesus Corona (2)

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Hirving Lozano: Tài năng trẻ của PSV Eindhoven mới chính là ngôi sao sáng nhất và quan trọng nhất của đội tuyển Mexcio hiện tại. Anh có màn trình diễn ấn tượng ngay trong mùa đầu tiên đến chơi ở giải Hà Lan. Lozano là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất (17) và cũng kiến tạo nhiều nhất (8) cho PSV. Trong màu áo đội tuyển, Lozano cũng là vua phá lưới ở vòng loại cuối với 3 bàn dù chỉ đá chính 2 trận. Anh cũng đã lập cú đúp trong trận hòa 3-3 với đội tuyển Bỉ hồi tháng 11.

Carlos Vela: Ngôi sao sáng nhất của VCK U17 Thế giới năm 2005 đã không tham dự kì World Cup trước vì lí do cá nhân và đã 3 năm vắng mặt trong màu áo đội tuyển. Tuy nhiên, cựu cầu thủ của Arsenal cũng đã kịp trở lại và có những đóng góp quan trọng ở vòng loại với 2 bàn và 3 kiến tạo. Anh cũng là người kiến tạo cho Giovani dos Santos ghi bàn thắng duy nhất trong trận giao hữu với Scotland hôm 03/06 vừa qua.

Miguel Layun: Layun là một trong những cầu thủ cơ động bậc nhất của Osorio khi có thể chơi tốt trong vị trí hậu vệ ở cả 2 biên lẫn tiền vệ trung tâm. Anh cũng là cầu thủ có nhiều kiến tạo nhất ở vòng loại cho Mexico (3, cùng với Vela) với 2 trong số đó là từ những pha đá phạt góc. Layun cũng có khả năng ghi bàn tốt khi lập cú đúp trong trận thắng 3-0 trước Iceland hồi tháng 3 cũng như 1 bàn cho Porto ở Champions League và có 2 bàn cho Sevilla (cho mượn) ở La Liga sau 11 trận đá chính.

Javier Hernandez: Cầu thủ nổi tiếng nhất hiện tại của Mexico, với 5 năm chơi bóng đầy cảm xúc với Manchester United và một mùa giải trong màu áo Real Madrid. Chicharito là cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Mexico với 49 bàn/101 trận. Duyên ghi bàn của “hạt đậu nhỏ” sẽ là yếu tố quan trọng trong mục tiêu vượt qua vòng bảng của đội nhà. Ở mùa giải 2017/18, dù không được đá chính nhiều, Chicharito vẫn có 8 bàn, 2 kiến tạo cho West Ham. Anh cũng đã có 2 bàn, 1 kiến tạo sau 7 lần đá chính cho đội tuyển ở vòng loại.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Ochoa
Salcedo – Moreno – Ayala – Layun
Herrera – Guardado
Vela – G. dos Santos – Lozano
Chicharito

Trong 3 trận giao hữu gần nhất thì Osorio đã sử dụng 3 đội hình với 3 sơ đồ khác nhau nên để xác định được đội hình chính thức của Mexico là khá khó khăn. Hugo Ayala có vẻ được trọng dụng gần đây hơn là Diego Reyes. Salcedo có thể đá cả hậu vệ cánh lẫn trung vệ (Alvarez đá cánh thay).

Trong trận đầu gặp đội tuyển Đức, Layun có thể được đưa lên đá tiền vệ với Herrera và Guardado, với dos Santos dự bị và Gallardo sẽ đá hậu vệ trái. Raúl Jiménez sẽ cạnh tranh trực tiếp với Chicharito cho một suất đá cắm.

3. THỤY ĐIỂN (SWEDEN)

Thụy Điển có 11 lần tham dự World Cup, thành tích tốt nhất của họ giành hạng 3 các năm 1950 và 1994. Đội bóng này đang đứng ở vị trí 23 trên BXH của FIFA.

Thụy Điển giành quyền đến Nga bằng cách loại Italy trong trận Play-off với tổng tỉ số 1-0, sau khi đứng nhì bảng A vòng loại châu Âu (chỉ dưới Pháp).

Khi Zlatan Ibrahimovic từ giã đội tuyển sau Euro 2016, đó có vẻ như là một mất mát lớn đối với Thụy Điển. Tuy nhiên, điều này lại giúp cho họ thoát khỏi sự phụ thuộc vào siêu sao này để xây dựng một hệ thống mới vững chắc, khó bị đánh bại và sẽ chơi với sự thoải mái khi không có nhiều áp lực.

Gặp khó khăn khi bị xếp vào một bảng đấu được xem là khắc nghiệt nhất vòng loại châu Âu với sự góp mặt của hai ông lớn là Pháp và Hà Lan (phần nào đó là cả Bulgaria). Tuy nhiên, Thụy Điển đã đánh bại Hà Lan để xếp thứ 2 bảng đấu và sau đó loại tiếp một ông lớn khác là Italy ở vòng Play-off. Ở vòng bảng, Thụy Điển bất bại trên sân nhà với 4 trận thắng (trong đó có cả Pháp – 2-1) và 1 trận hòa (1-1 vs Hà Lan).

Đội bóng của Janne Andersson có lối chơi thiên về phòng ngự với 2 tiền vệ trụ ở trung tâm và sự chắc chắn của bộ đôi trung vệ Andreas Granqvist – Victor Lindelöf. Họ đã khiến cho Italy phải tịt ngòi trong cả 2 trận Play-off (với chỉ số bàn thắng kì vọng lần lượt là 1.41 ở trận lượt đi và 0.25 ở trận lượt về).

Tuy vậy, khả năng tấn công của Thụy Điển không được đánh giá cao khi hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Emil Forsberg, người duy nhất được coi là ngôi sao trong đội. Họ có được bàn thắng vào lưới Italy nhờ pha dứt điểm trúng đích duy nhất trong cả 2 lượt trận và đã không thể ghi bàn trong 3 trận giao hữu gần nhất ngay trước thềm World Cup.

THÔNG SỐ (vòng loại WC+Play-off):

Đá chính nhiều nhất: Robin Olsen, Andreas Granqvist, Emil Forsberg (12), Victor Lindelof, Marcus Berg (11), Ludwig Augustinsson, Mikael Lustig, Ola Toivonen (9), Jimmy Durmaz, Albin Ekdal (7), Sebastian Larsson (5)

Ghi bàn nhiều nhất: Marcus Berg (8), Emil Forsberg (4), Andreas Granqvist, Mikael Lustig, Ola Toivonen (3)

Kiến tạo nhiều nhất: Ludwig Augustinsson, Ola Toivonen (4), Marcus Berg, Emil Forsberg (3), Mikael Lustig, Emil Krafth (2)

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Emil Forsberg: Anh là ngôi sao số 1 và là niềm hy vọng lớn nhất trên hàng công của đội tuyển Thụy Điển. Forsberg có thể chơi tốt trong cả vị trí tiền đạo lùi lẫn tiền vệ cánh trái. Anh là một trong 3 người đã đá chính trong toàn bộ các trận đấu ở vòng loại và có cho mình 4 bàn và 3 kiến tạo. Mặc dù vậy, phong độ của Forsberg trong năm thứ 2 ở Đức cùng RB Leipzig có vẻ như không được suôn sẽ. Rực sáng ở mùa giải 2016/17 với việc góp công vào 30 bàn thắng ở Bundesliga, Forsberg chỉ ghi được 2 bàn, 2 kiến tạo trong 21 trận đấu ở Bundesliga mùa này. Anh chỉ ghi được đúng 1 bàn thắng kể từ đầu năm trong cả màu áo CLB lẫn đội tuyển trên mọi đấu trường.

Marcus Berg: Berg là một cây săn bàn lợi hại của Thụy Điển với 8 bàn thắng ở vòng loại, đứng thứ 5 toàn châu Âu, bên cạnh việc kiến tạo 3 bàn khác. Berg cũng tỏ ra có duyên trong màu áo CLB khi ghi 65 bàn sau 99 trận khoác áo Panathinaikos trước khi chuyển đến Trung Đông mùa hè năm ngoái. Trong mùa bóng đầu tiên cùng Al Ain FC, Berg đã ghi được tới 25 bàn chỉ sau 21 trận ra sân. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng 6/8 bàn thắng của Berg là vào lưới Luxembourg và Belarus. Ngoài ra, chỉ có duy nhất 1/18 bàn anh ghi được cho đội tuyển quốc gia là trước một đội bóng tham dự World Cup năm nay (vào lưới Iran, tháng 3-2015).

Ola Toivonen: Anh là đồng đội và cũng là đối tác quen thuộc với Marcus Berg trên hàng công kể từ VCK U-21 châu Âu năm 2009. Toivonen là người có nhiều kiến tạo nhất cho Thụy Điển (4, cùng Augustinsson) và cũng đã đóng góp 3 bàn trong chiến dịch vòng loại, trong đó có bàn thắng quan trọng vào lưới đội tuyển Pháp. Tiền đạo của Toulouse cũng là một trong số hiếm hoi những người có thể ghi bàn cho đội tuyển kể từ đầu năm (trận thua Chile 1-2 hồi tháng 3).

Andreas Granqvist: Trung vệ đội trưởng 33 tuổi là một trong 3 người đã đá chính cả 12 trận tại vòng loại. Anh là thủ lĩnh của hàng thủ có được 7 trận giữ sạch lưới (bao gồm 2 trận với Italy). Ngoài việc nguy hiểm trong những pha tham gia tấn công, Granqvist còn là người lãnh trọng trách đá penalty cho đội tuyển. Cả 3 bàn thắng anh ghi được ở vòng loại đều từ chấm phạt đền. Granqvist cũng là người đầu tiên ngoài Zlatan Ibrahimovic được bầu làm cầu thủ xuất sắc nhất Thụy điển kể từ năm 2006, phần thưởng xứng đáng cho những màn trình diễn ở vòng loại cùng đội tuyển.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Olsen
Lustig – Lindelof – Granqvist – Augustinsson
Claesson – Larsson – Ekdal – Forsberg
Berg – Toivonen

4. HÀN QUỐC (SOUTH KOREA)

Hàn Quốc đã 9 lần tham dự World Cup và là đội bóng có thành tích tốt nhất châu Á khi xếp hạng 4 vào năm 2002 khi giải đấu được tổ chức trên quê nhà. Hiện đội bóng này đang đứng hạng 61 trên BXH của FIFA.

Hàn Quốc giành vé dự World Cup sau khi xếp thứ 2 bảng A vòng loại cuối cùng của Châu Á, sau Iran.

Mặc dù vẫn giành vé đến Nga, Hàn Quốc đã có một chiến dịch vòng loại đáng thất vọng và điều này đã dẫn đến việc Uli Stielike bị sa thải. Ông được thay thế bởi cựu HLV đội U-20 và U-23 Hàn Quốc – Shin Tae-Yong, người đã giúp đội bóng không thua trong 2 trận cuối (đều 0-0) để đảm bảo có lần thứ 9 tham dự World Cup.

Vấn đề lớn nhất của Hàn Quốc ở vòng loại có lẽ là khả năng thi đấu xa nhà, họ chỉ kiếm được đúng 2 điểm/5 chuyến làm khách. Ngoài ra, hàng phòng ngự cũng là một vấn đề lớn khi họ để thua tổng cộng 10 bàn, bằng với đội áp chót bảng là Trung Quốc, và kém xa Iran (2). Bên cạnh đó, họ cũng không có nhiều chân sút có thể tin tưởng khi không ai trong đội ghi được quá 2 bàn ở vòng loại cuối.

Mọi chuyện có vẻ khá hơn dưới thời Shin Tea-Young, khi có những màn trình diễn ấn tượng trong lượt giao hữu hồi tháng 11. Họ đánh bại Colombia 2-1 và cầm hòa Serbia 1-1.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại tiếp tục để lộ ra những vấn đề khác khi thua cả Bắc Ai Len và Ba Lan trong những trận giao hữu hồi tháng 3. Dù có sáng sủa hơn trong tấn công nhưng lại mắc nhiều sai lầm trong phòng ngự. Những thử nghiệm tiếp theo của Shin tỏ ra không mấy hứa hẹn với những màn trình diễn nghèo nàn khi thua 1-3 trước Bosnia và hòa 0-0 với Bolivia trong 2 trận giao hữu gần nhất.

Loay hoay và có vẻ như đã thất bại với thử nghiệm sơ đồ 3 hậu vệ, nhiều khả năng Shin sẽ trở lại sử dụng bộ tứ vệ như Hàn Quốc đã từng chơi ở vòng loại. Hai cầu thủ quan trọng nhất trong sơ đồ của họ là Ki Sung-yueng và Son Heung-Min. Ngoài ra, với việc 2 cầu thủ tấn công đang có phong độ tốt là Lee Keun-ho và Kwon Chang-hoon vắng mặt vì chấn thương, gánh nặng sẽ lại càng đè nặng lên đôi vai của 2 ngôi sao đang chơi tại giải Ngoại hạng.

THÔNG SỐ (vòng loại WC):

Đá chính nhiều nhất: Jang Hyun-soo (10), Ki Sung-yeung, Son Seung-min (8), Ji Dong-won, Koo Ja-cheol (7).

Ghi bàn nhiều nhất: Ki Sung-yeung, Koo Ja-cheol (2).

Kiến tạo nhiều nhất: Ji Dong-won (2).

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Son Heung-min: Ngôi sao sáng nhất của đội tuyển Hà Quốc sẽ phải cố gắng tiếp tục phong độ của mình ở cấp CLB để có thể dẫn dắt đội bóng làm được một điều gì đó ở World Cup năm nay. Son đã từng bước chứng tỏ khả năng của cá nhân ở giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh. Trong mùa giải thứ 2 ở Premier League, Son đóng góp cho Tottenham Hotspur 12 bàn, 8 kiến tạo. Dù chỉ ghi được 1 bàn trong vòng loại cuối cho đội tuyển, Son vẫn có 3 bàn trong 6 trận giao hữu của đội tuyển, kèm theo một kiến tạo. Son cũng đã chứng minh mình có thể làm nên chiến thắng cho đội tuyển ở World Cup với cú đúp trong trận thắng 2-1 trước Colombia hồi tháng 11.

Ki Sung-yueng: Đội trưởng của đội tuyển Hàn Quốc là trái tim trong hệ thống chiến thuật của Shin Tae-Yong. Ki với lối chơi thông minh, điềm đạm cùng tầm nhìn và khả năng chuyền bóng tốt, Ki là người vận hành cả cổ máy của đội tuyển. Khi lùi sâu kiến tạo (deep-lying playmaker), anh có thể giúp đội kiểm soát bóng, khi chơi ở vị trí con thoi (box-to-box), anh có thể lên công về thủ nhịp nhàng cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho các cầu thủ tấn công. Tiền vệ của Swansea City là vua phá lưới của đội tuyển ở vòng loại (dù chỉ ghi 2 bàn).

Lee Jae-sung: Cầu thủ xuất sắc nhất của K-League năm 2017 này làm các cổ động viên nhớ đến hình ảnh của một Lee Chung-yong thời đỉnh cao. Với khả năng tốc độ, năng nổ, sáng tạo và cũng rất kỹ thuật (ít nhất là ở tầm châu Á), Lee đang rất quyết tâm tỏa sáng ở World Cup năm nay để có thể thực hiện hóa ước mơ sang châu Âu chơi bóng. Anh có khả năng chơi ở mọi vị trí phía sau tiền đạo nhưng khả năng sẽ được xếp đá cánh trái tại Nga.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Seung-Gyu
Lee Yong – Kim Young-gwon – Jang Hyun-Soo – Park Joo-ho
Moon Seon-min – Ki Sung-Yueng – Jung Woo-young – Lee Jae-Sung
Son Heung-Min – Hwang Hee-Chan

Koo Ja-cheol sẽ cạnh tranh một suất đá cặp bên cạnh Ki Sung-Yueng. Tiền đạo cao to Kim Shin-wook cũng là một phương án dự phòng cần thiết khi cần tìm kiếm bàn thắng. Tiền vệ Lee Seung-woo sẽ cạnh tranh một suất chơi ở 2 bên cánh. Ở vị trí trung vệ, có vẻ chỉ mỗi Kim Young-gwon là chắc suất, vị trí còn lại sẽ được lựa chọn giữa Jang Hyun-Soo hoặc Yun Young-sun.

Đọc thêm:

Bảng A: Urugoay, Nga, Ai Cập, Saudi Arabia.

Bảng B: TBN, BDN, Morocco, Iran

Bảng C: Pháp, Đan Mạch, Peru, Australia

Bảng D: Argentina, Croatia, Nigeria, Iceland

Bảng E: Brazil, Thụy Sĩ, Costa Rica, Serbia

Bảng G: Anh, Bỉ, Tunisia, Panama

Bảng H: Colombia, Senegal, Ba Lan, Nhật Bản

Facebook Comments