World Cup 2018 – Đánh giá bảng D

1280
0

Trong các kì bốc thăm của các giải đấu, bảng D phần lớn được đánh giá là là bảng đấu tử thần như tên gọi của nó (Group of Death), và bảng D World Cup lần này cũng không phải ngoại lệ. Bảng đấu này tiềm ẩn nhiều bất ngờ có thể xảy ra khi tương quan lực lượng của các đội không quá chênh lệch.

Argentina tất nhiên được đánh giá cao nhất nhờ hàng công khủng được dẫn dắt bởi siêu sao Lionel Messi, Croatia cũng rất mạnh với một hàng tiền vệ trong mơ. Tuy nhiên, một Iceland quả cảm và một Nigeria đầy nhiệt huyết hoàn toàn có thể làm nên những điều thần kỳ.

1. ARGENTINA

Argentina có 16 lần tham dự World Cup và từng vô địch giải đấu vào các năm 1978 và 1986. Họ đang xếp thứ 5 trên BXH của FIFA.

Argentina phải chờ tới ngày cuối cùng của vòng loại mới có thể giành quyền vào vòng chung kết với vị trí thứ 3 ở Nam Mỹ.

Sức mạnh lớn nhất của Argentina chính là Lionel Messi, tuy nhiên họ lại đang quá phụ thuộc vào siêu sao này. Đội bóng của Jorge Sampaoli luôn đá như “rắn mất đầu” mỗi khi thiếu vắng cầu thủ số 10, và minh chứng rõ nhất là trận thua muối mặt 1-6 trước TBN hay 2-4 trước chính Nigeria.

Đường đến Nga của Argentina ở vòng loại càng khẳng định thêm điều này khi họ như là 2 đội bóng hoàn toàn khác nhau khi có và khi không có Lionel Messi.

Messi đã nghỉ 8/18 trận đấu ở vòng loại vì chấn thương/treo giò. Argentina chỉ thắng được 1 trận trong số đó, cùng thành tích nghèo nàn với trung bỉnh chỉ có 0.9 điểm/trận.

Chỉ số này tăng lên 2.1 điểm/trận trong 10 trận đấu có sự tham gia của Messi. Argentina cũng chỉ thua 1 trong quãng thời gian đó.

Jorge Sampaoli được bổ nhiệm thay Edgardo Bauza làm HLV trưởng trước trận đấu quyết định cuối cùng với Ecuador. Và Messi lại là vị cứu tinh khi ghi cả 3 bàn giúp đội nhà tránh khỏi thảm họa ngồi nhà xem World Cup.

Mặc dù có trong tay những tiền đạo hàng đầu Thế giới, như Messi, Sergio Aguero, Paulo Dybala hay Gonzalo Higuain, Argentina chỉ ghi được tổng cộng 19 bàn/18 trận, chỉ hơn được mỗi Bolivia (16). Đối thủ truyền kiếp của họ, Brazil lại có tới 41 lần tìm được mành lưới đối phương.

Điểm mạnh của Argentina, tréo ngoe thay lại đến từ hàng phòng ngự, khi họ là đội phòng thủ tốt thứ 2 ở vòng loại Nam Mỹ với tổng cộng 16 bàn thua, chỉ nhiều hơn mỗi Brazil (11). Họ cũng có 8/18 trận giữ sạch lưới.

HLV Sampaoli đã thử nghiệm nhiều sơ đồ khác nhau cho Argentina, từ 3-4-2-1 or 3-3-3-1 cho đến cả 2-3-5 trong trận thắng 6-0 trước Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Cựu HLV của Chile bắt đầu áp dụng sơ đồ 4-2-3-1 trong các trận giao hữu với Italy và TBN hồi tháng 3 và có vẻ sẽ áp dụng nó ở World Cup sắp tới.

Hàng phòng ngự dù có chỉ số khá ổn ở vòng loại, vẫn đang mang lại nhiều lo lắng. Với việc Sergio Romero (người bắt chính trong tất cả 18 trận vòng loại) dính chấn thương, thủ môn chính thức hiện tại là Willy Caballero. Tuy nhiên, anh không được bắt chính nhiều ở Chelsea mùa này và cũng không có nhiều kinh nghiệm ở đội tuyển. Bộ tứ vệ hiện cũng chỉ tạm an tâm với Nicolás Otamendi.

THÔNG SỐ (vòng loại WC):

Đá chính nhiều nhất: Angel Di Maria (18), Nicolas Otamendi, Javier Mascherano (15), Lucas Biglia (13), Lionel Messi, Ever Banega (10), Marcos Rojo, Gabriel Mercado (9), Gonzalo Higuain (7), Sergio Aguero (5), Paulo Dybala (4)

Ghi bàn nhiều nhất: Lionel Messi (7), Angel Di Maria, Gabriel Mercado (2)

Kiến tạo nhiều nhất: Lionel Messi, Angel Di Maria, Gonzalo Higuain (2)

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Lionel Messi: Có thể nói, Argentina đang là đội bóng “Lionel Messi + 10 người khác”. Thành tích của đội tuyển tại World Cup năm nay sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào phong độ của cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Lionel Messi là người ghi nhiều bàn nhất cho đội tuyển ở vòng loại (7, hơn 5 bàn so với những người xếp thứ 2) và ở Nam Mỹ cũng chỉ có mỗi Edinson Cavani là ghi được nhiều bàn hơn anh (10), dù chỉ có mặt trong 10 trận đấu. Đáng nói hơn, Messi là cầu thủ Argentina duy nhất ghi được bàn thắng trong 6 trận cuối cùng ở vòng loại.

Messi tiếp tục khẳng định tầm ảnh hưởng của mình khi ghi một hat-trick và kiến tạo bàn còn lại cho Sergio Aguero trong chiến thắng 4-0 trong trận giao hữu mới đây với Haiti.

Sergio Aguero: Vừa mới trở lại sau chấn thương khiến anh bạn thân của Messi vắng mặt từ hồi tháng 3, Kun Aguero lập tức tạo dấu ấn trong trận đấu với Haiti kể trên. Ngôi sao của Man City nhiều khả năng sẽ tiếp tục là người chơi cao nhất trên hàng công của Argentina tại giải đấu năm nay dù chỉ ghi được duy nhất 1 bàn ở vòng loại.

Angel Di Maria: Sau Messi, Di Maria là người có dấu ấn đậm nét nhất trong đội hình của Argentina ở vòng loại, với 2 bàn và 2 kiến tạo. Dù chưa có đóng góp gì nhiều trong các trận giao hữu mới đây, Di Maria vẫn được kì vọng sẽ san sẻ bớt gánh nặng với người đội trưởng, như những gì anh đã từng làm được cách đây 4 năm.

Nicolas Otamendi: Là hậu vệ duy nhất của Argentina có hơn 10 trận đá chính ở vòng loại, Otamendi là cái tên khả dĩ nhất mà Sampaoli có thể tin cậy ở hàng phòng ngự. Otamendi cũng khá nguy hiểm khi tham gia tấn công với 1 bàn và 1 kiến tạo, bên cạnh 7 trận giữ sạch lưới.

Giovani Lo Celso: Cùng với Otamendi, Lo Celso là những người duy nhất đá chính trong cả 5 trận giao hữu của Argentina từ tháng 11 năm ngoái. Từng là một tiền vệ tấn công tại Rosario Central, tài năng trẻ này lại khẳng định mình ở vị trí box-to-box tại PSG. Với khả năng chống phản công tốt, hạn chế tầm ảnh hưởng các nhạc trưởng đối thủ, cũng như khả năng chơi bóng một chạm và là một chân chuyền ấn tượng, Lo Celso có thể sẽ là một đối tác hoàn hảo mà Messi đang cần.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Caballero
Mercado – Fazio – Otamendi – Tagliafico
Biglia – Lo Celso
M. Meza – Messi – Di Maria
Aguero

Gonzalo Higuain có thể sẽ mất vị trí chính thức vào tay Sergio Aguero khi đã tịt ngòi trong màu áo đội tuyển kể từ tháng 10-2016. Ever Banega sẽ cạnh tranh vị trí với Lo Celso hoặc cùng Javier Mascherano có thể đá thay Biglia đang hồi phục thể lực sau chấn thương. Eduardo Salvio là phương án đang được cân nhắc với Mercado ở vị trí hậu vệ phải.

2. CROATIA

Croatia đã 5 lần tham dự World Cup với thành tích tốt nhất là vị trí thứ 3 năm 1998. Họ đang đứng thứ 18 trên BXH của FIFA.

Croatia giành vé đến Nga bằng chiến thắng với tổng tỉ số 4-1 trước Hy Lạp ở trận Play-off, sau khi xếp thứ 2 ở bảng I vòng loại châu Âu, dưới chính đối thủ ở bảng này là Iceland.

Mặc dù có trong đội hình toàn những hảo thủ đang thi đấu tại các giải VĐQG hàng đầu châu Âu, con đường đến Nga của Croatia lại không bằng phẳng như mong đợi.

Ở vòng đấu thứ 8 vòng bảng, sau thất bại 0-1 trước Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia đứng trước nguy cơ không được tham dự World Cup và Ante Cacic sau đó bị sa thải.

Zlatko Dalic sau khi lên nắm quyền đã có một số sự thay đổi, và giúp Croatia vượt qua khó khăn và kiếm được suất đá Play-off sau chiến thắng 2-0 ngay trên sân của đối thủ trực tiếp Ukraine.

Một trong số những thay đổi của Dalic là đưa ngôi sao số 1 của họ, Luka Modric lên đá ở vị trí số 10, vị trí mà ngôi sao của Real Madrid từng chơi trong những ngày đầu sự nghiệp. Điều này góp phần giải được bài toán giẫm chân nhau giữa Modric và Rakitic trong giai đoạn trước đó.

HLV tiền nhiệm Cacic đã sử dụng Modric chơi lùi sâu làm bóng như cách mà cầu thủ này chơi tại Real Madrid. Tuy nhiên, những cái tên chơi phía trên Modric, như Rakitic, Marcelo Brozovic hay Mateo Kovacic – lại không thường xuyên tạo ra được những cơ hội tốt cho các tiền đạo và hệ thống tấn công của Croatia lại chủ yếu đến từ những pha đánh biên.

Hiện tại, với việc Modric được đẩy lên chơi cao lên và Rakitic lùi xuống thế chỗ, khả năng tấn công của Croatia đã được cải thiện hơn và biến hóa hơn nhiều. Mặc dù vậy, điều này cũng sẽ khiến Brozovic hay Kovacic mất chỗ. Dalic cần một người có tạo ra sự cân bằng cho một hàng tiền vệ đã có dư sự sáng tạo và Badelj là giải pháp tốt hơn 2 cái tên nổi tiếng kia.

Sau khi giải được bài toán hàng công, Dalic giờ đang đau đầu với hàng thủ, đặc biệt khi trung vệ Vedran Corluka vừa dính chấn thương. Những cái tên còn lại trong hệ thống phòng ngự của Croatia chưa đem lại được sự yên tâm cần thiết, kể cả Dejan Lovren. Ngoài ra, đội hình chính của Croatia hiện đang là một trong những đội già nhất tại World Cup.

THÔNG SỐ (vòng loại WC+Play-off):

Đá chính nhiều nhất: Domagoj Vida (12), Ivan Perisic (11), Mario Mandzukic, Danijel Subasic, Sime Vrsaljko (10), Marcelo Brozovic, Luka Modric (9).

Ghi bàn nhiều nhất: Mandzukic (5), Nikola Kalinic, Andrej Kramaric (3), Perisic, Brozovic (2).

Kiến tạo nhiều nhất: Modric (4), Ivan Rakitic, Vrsaljko (3), Kramaric, Brozovic (2).

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Luka Modric: Là một trong những tiền vệ hàng đầu thế giới, Modric được kì vọng sẽ dẫn dắt thế hệ tài năng của Croatia tái lập thành tích vào bán kết cách đây 20 năm. Modric dù chủ yếu chơi lùi sâu làm bóng và điều tiết nhịp độ vẫn góp công vào 5 bàn thắng cho Croatia ở vòng loại (1 bàn, 4 kiến tạo). Với việc được tân HLV Dalic đẩy lên chơi ở vị trí số 10, khả năng tỏa sáng trong giải đấu lớn lần này của Modric lại càng sáng hơn.

Mario Mandzukic: Vua phá lưới của Croatia ở vòng loại hiện đang chạy đua kịp bình phục chấn thương và có nền tảng thể lực tốt nhất để chinh chiến tại giải đấu lần này. Tiền đạo của Juventus đã ghi 5 bàn/10 trận đấu ở vòng loại, cũng như có 30 bàn sau 82 trận cho đội tuyển. Mặc dù đã 32 tuổi, Mario vẫn giữ được lối chơi xông xáo, nhiệt tình với khả năng tuân thủ chiến thuật cực tốt và sẽ là một mũi nhọn tấn công đáng tin cậy của Dalic.

Sime Vrsaljko: Vrsaljko Là người thay thế xứng đáng vị trí mà Darijo Srna để lại bên hành lang cánh phải. Thường xuyên được chơi dâng cao cộng với khả năng tạt bóng tốt, anh đã có 3 kiến tạo ở vòng loại. Trong màu áo CLB, Vrsaljko cũng đã có 4 kiến tạo sau 19 lần đá chính tại La Liga và cũng góp công vào chức vô địch Europa League của Atletico Madrid.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Subasic
Vrsajlko – Lovren – Vida – Strinic
Badelj – Rakitic
Mandzukic – Modric – Perisic
Kramaric

Kramaric và Mandzukic sẽ thường xuyên hoán đổi vị trí cho nhau khi cả 2 có thể chơi tốt cả vị trí trung phong lẫn đá cánh với Nikola Kalinic là dự bị chiến lược. Hai tài năng trẻ Ante Rebic và Marko Pjaca sẽ là những quân bài dự phòng ở cả 2 cánh.

Trong khi đó, cả Marcelo Brozovic và Mateo Kovacic đều có thể được sử dụng khi cần tăng cường khả năng tấn công. Vedran Corluka nếu kịp bình phục sẽ đá chính thay Lovren, hoặc đá cặp cùng Lovren đẩy Vida ra cánh.

3. NIGERIA

Nigeria đã có 5 lần dự World Cup và thành tích tốt nhất chỉ là lọt vào vòng 16 đội ở các năm 1994 và 1998. Hiện đội bóng châu Phi này đang đứng hạng 47 trên BXH của FIFA.

Nigeria là đội đầu tiên của châu Phi giành quyền tham dự World Cup sau khi đứng đầu một bảng đấu khó khăn có sự góp mặt của cả Cameroon và Algeria.

Siêu đại bàng xanh có một hàng công mạnh mẽ mà minh chứng là 12 bàn thắng ở vòng loại thứ 3, chỉ sau Congo (14). Tuy nhiên, hàng thủ của họ lại chưa cho thấy sự yên tâm khi chỉ giữ sạch lưới được 2/6 trận.

Kể từ khi tiếp quản đội bóng vào năm 2016, Gernot Rohr đã từng bước cải thiện tính kỉ luật và nâng cao tinh thần của đội bóng. Dù không còn những ngôi sao nổi bật như Kanu hay Okocha ngày nào, Nigeria hiện tại là một khối thống nhất với tinh thần mạnh mẽ và nhiệt huyết của những con người trẻ tuổi đã sẵn sàng tạo ra bất ngờ tại World Cup lần này.

Mặc dù đã thử nghiệm nhiều đội hình khác nhau, bao gồm cả 3-5-2 trong trận thắng 4-2 trước Argentina vào tháng 11 năm ngoái, Rohr nhiều khả năng vẫn sẽ tin tưởng vào đội hình 4-2-3-1, dựa trên một hàng phòng ngự kiên cường và khả năng phản công hiệu quả.

Điểm mạnh của Nigeria là ở hàng tiền vệ với bộ não John Obi Mikel và 2 tiền vệ đánh chặn Ogenyi Onazi và Wilfred Ndidi. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào Mikel, một cầu thủ không giỏi trong việc kiến tạo bàn thắng sẽ dễ khiến họ gặp bế tắc.

Những cái tên chủ chốt trên hàng công như Ahmed Musa, Kelechi Iheanacho hay Alex Iwobi không được đá chính nhiều ở CLB trong khi tiền đạo chủ lực Odion Ighalo lại đang chơi ở Trung Quốc dù từng gây ấn tượng mạnh ở giải Ngoại hạng. Cái tên được xem là sáng tạo nhất của họ, Victor Moses lại thường xuyên chơi hậu vệ cánh ở Chelsea.

THÔNG SỐ (vòng loại WC):

Đá chính nhiều nhất: Ogenyi Onazi (7), Shehu Abdullahi, Elderson Echiejile, John Obi Mikel, William Troost-Ekong (6), Leon Balogun, Wilfred Ndidi, Odion Ighalo (5), Victor Moses, Ikechukwu Ezenwa (4), Kelechi Iheanacho, Alex Iwobi (3)

Ghi bàn nhiều nhất: Victor Moses (3), John Obi Mikel, Kelechi Iheanacho, Alex Iwobi (2)

Kiến tạo nhiều nhất: Ogenyi Onazi, Shehu Abdullahi, John Obi Mikel, Ahmed Musa, Odion Ighalo, Victor Moses, Oghenekaro Etebo (1)

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

John Obi Mikel: Mikel là bộ não, là trung tâm trong lối chơi của đội tuyển Nigeria với sự điềm tĩnh và khả năng chơi bóng thông minh. Anh được xếp chơi ở vị trí tiền vệ tấn công trong cả 2 sơ đồ 4-2-3-1 và 3-5-2. Mặc dù chỉ có 4 bàn thắng ở các giải VĐQG trong 14 năm sự nghiệp, cựu tiền vệ của Chelsea vẫn chứng tỏ được khả năng của mình với 2 bàn thắng, 1 kiến tạo trong 6 trận vòng loại mà anh tham gia.

Victor Moses: Là một trong những cầu thủ quan trọng nhất trong chiến thuật của Gernot Rohr, Moses có thể chơi tốt trong cả sơ đồ 4-2-3-1 lẫn 3-5-2 ở hành lang biên. Moses chính là vua phá lưới của Nigeria ở vòng loại với 3 bàn, cũng như kiến tạo 1 bàn khác cho đồng đội. Cầu thủ của Chelsea này cũng là người được giao đá phạt đền và từng ghi bàn trên chấm 11m giúp đội nhà giành chiến thắng 1-0 trước Ba Lan hồi tháng 3.

Alex Iwobi: Dù không được đá chính nhiều ở CLB, Iwobi vẫn tạo được những dấu ấn mỗi lần lên tuyển gần đây. Có thể chơi tốt vị trí chạy cánh lẫn tiền đạo lùi, cầu thủ trẻ của Arsenal là người ghi bàn vào lưới tuyển Anh trong trận giao hữu mới đây cũng như ghi 2 bàn vào lưới Argentina hồi tháng 11 khi chơi cặp cùng Kelechi Iheanacho trên hàng công.

Francis Uzoho: Thủ môn mới 19 tuổi này mới chỉ có 2 trận ra sân cho Deportivo La Coruña, tuy nhiên khả năng vẫn sẽ là người bắt chính tại Nga. Với khả năng kiểm soát tốt không gian cũng như phản xạ nhạy bén, Uzoho được mong chờ sẽ thay thế xứng đáng đàn anh Vincent Enyeama.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Uzuoho
Shehu – Troost-Ekong – Balogun – Idowu
Ndidi – Onazi
Moses – Mikel – Iwobi
Ighalo

Kelechi Iheanacho sẽ cạnh tranh suất đá chính với Ighalo, trong khi Ahmed Musa sẽ là phương án dự phòng ở 2 cánh.

4. ICELAND

Đây mới là lần đầu tiên Iceland được tham dự World Cup. Đội bóng này đang đứng ở vị trí 22 trên BXH của FIFA.

Iceland có vé chính thức đến Nga khi đứng đầu bảng I vòng loại châu Âu, xếp trên chính Croatia.

Sau thành công vang dội tại Euro 2016, Iceland tiếp tục hành khúc Viking của mình tại vòng loại châu Âu. Đoàn quân của Heimir Hallgrimsson đứng đầu bảng đấu được xem là khá xương xẩu khi ngoài Croatia còn có cả Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ.

Iceland giành chiến thắng 7/10 trận đấu ở vòng loại, đặc biệt là thắng cả 5 trận trên sân nhà Reykjavik dù chỉ ghi được 16 bàn thắng, thấp nhất trong số các đội bóng châu Âu đến World Cup. Tiếp tục với lối chơi chặt chẽ cùng bộ khung ổn định, nhuần nhuyễn và nhất quán về mặt chiến thuật trong một thời gian dài, Iceland hy vọng sẽ một lần nữa làm nên kỳ tích như cách đây 2 năm.

Hallgrímsson thường triển khai đội hình 4-4-2, hoặc chuyển sang 4-5-1 khi gặp các đối thủ mạnh, với trung tâm của lối chơi là cặp tiền vệ Aron Gunnarsson và Gylfi Sigurdsson. Với Gunnarsson cùng Emil Hallfredsson ở sau lưng, Sigurdsson thoải mái được chơi ở vị trí tự do và mặc sức sáng tạo.

Ở 2 bên cánh, Birkir Bjarnason và Jóhann Berg Gudmundsson là những cầu thủ nguy hiểm trong tấn công nhưng rất rất kỉ luật trong phòng ngự. Ở trên cùng là Dadi Bödvarsson, người chưa bao giờ ngừng chạy và Alfred Finnbogason (Augsburg), một trong những chân sút tốt nhất của Bundesliga.

Iceland có lối chơi rất khó chịu khi thiên về phòng ngự nhưng sẵn sàng trừng phạt đối phương nhờ những miếng phản công hiệu quả cũng như khả năng tận dụng các cơ hội từ các tình huống cố định (kể cả những pha ném biên dài của Gunnarsson). Họ là một trong những đội bóng được tổ chức tốt và có lối chơi kỉ luật nhất thế giới hiện tại cũng những tài năng chất lượng trên hàng công.

Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào Gylfi Sigurdsson cũng là điểm yếu khi ngôi sao của họ đã phải ngồi ngoài một thời gian dài vì chấn thương. Ngoài ra, họ cũng không có nhiều sự lựa chọn tốt về nhân sự để dự phòng mỗi khi rơi vào thế bất lợi.

THÔNG SỐ (vòng loại WC):

Đá chính nhiều nhất: Birkir Saevarsson, Gylfi Sigurdsson, Ragnar Sigurdsson (10), Kari Aranson, Johann Berg Gudmundsson, Birkir Bjarnason, Aron Gunnarsson, Hannes Thor Halldorsson (9).

Ghi bàn nhiều nhất: G Sigurdsson (4), Alfred Finnbogason (3), Arnason, Gudmundsson (2).

Kiến tạo nhiều nhất: G Sigurdsson (4), Jon Dadi Bodvarsson (3), Arnason (2).

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Gylfi Sigurdsson: Ngôi sao số 1 của tuyển Iceland đã có một mùa giải không mấy thành công cùng Everton và kết thúc bằng một chấn thương nặng khiến anh phải rời xa sân cỏ trong một thời gian dài. Mặc dù vậy, Sigurdsson nhanh chóng trấn an tình hình bằng bàn thắng vào lưới Na Uy khi vào sân từ ghế dự bị trong trận giao hữu hôm thứ 7 vừa qua. Đó cũng là bàn thắng thứ 19 sau 56 lần khoác áo đội tuyển. Sigurdsson là linh hồn trong lối chơi của Iceland và là người góp công vào một nửa số bàn thắng (8/16) của đội ở vòng loại với 4 bàn và 4 kiến tạo.

Johann Berg Gudmundsson: Là thành viên quan trọng giúp Burnley bất ngờ giành vé tham dự cup châu Âu lần đầu tiên sau 51 năm, Gudmundsson hy vọng sẽ tiếp tục phong độ ấn tượng của mình tại World Cup. Chỉ có 7 tiền vệ  tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn tại Premier League mùa này hơn Gudmundsson (67). Cầu thủ 27 tuổi có 8 kiến tạo cũng như 2 bàn thắng cho Burnley (ghi vào lưới Liverpool và Man City). Ở vòng loại châu Âu, Gudmundsson cũng đóng góp 2 bàn thắng, 1 kiến tạo cho đội tuyển Iceland và hy vọng sẽ còn làm tốt hơn tại Nga sắp tới.

Kari Arnason: Là một trung vệ ở đội tuyển nhưng lại đá tiền vệ tại CLB (Plymouth Argyle và Rotherham United), không khó hiểu khi Arnason góp công vào 4/16 bàn thắng của đội tuyển tại vòng loại (2 bàn, 2 kiến tạo). Arnason là một thành viên quan trọng trong hệ thống phòng ngự của Iceland và giúp đội bóng có được 5 trận giữ sạch lưới, trong đó có 1 trận trước Croatia. Ngoài ra, Arnason cũng là một vũ khí nguy hiểm trong các tình huống cố định sở trường của Iceland cũng như khả năng phát động tấn công tốt từ sân nhà.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Halldorsson
Saevarsson – R. Sigurdsson – Arnason – Magnusson
Gunnarson – Halfredsson
Gudmunsson – G. Sigurdsson – Bjarnason
Bodvarsson

Jon Dadi Bodvarsson nhiều khả năng sẽ được ưu tiên đá chính nhờ khả năng hoạt động không biết mệt mỏi của mình trong những trận đấu với các đối thủ mạnh. Tuy nhiên, Alfred Finnbogason vẫn sẽ là một phương án dự phòng chất lượng hoặc sẽ được đá chính thay Sigurdsson trong sơ đồ 4-4-2 nếu ngôi sao của Everton không đảm bảo sức khỏe. Finnbogason đã ghi bàn trong cả 2 trận giao hữu gần nhất của Iceland trước Na Uy và Ghana.

Đọc thêm:

Bảng A: Urugoay, Nga, Ai Cập, Saudi Arabia.

Bảng B: TBN, BDN, Morocco, Iran

Bảng C: Pháp, Đan Mạch, Peru, Australia

Bảng E: Brazil, Thụy Sĩ, Costa Rica, Serbia

Bảng F: Đức, Mexico, Thụy Điển, Hàn Quốc

Bảng G: Anh, Bỉ, Tunisia, Panama

Bảng H: Colombia, Senegal, Ba Lan, Nhật Bản

Facebook Comments