World Cup 2018 – Đánh giá bảng H

1558
0

Bảng H được xem là bảng đấu cân bằng nhất và khó đoán nhất khi thực lực các đội đều không có nhiều chênh lệch. Bảng đấu này cũng là bảng đấu duy nhất có 4 đội tuyển đến từ 4 châu lục khác nhau.

Colombia đang là đội được đánh giá cao nhất với đội ngũ từng vào tứ kết cách đây 4 năm. Senegal có một đội hình chất lượng và đồng đều ở cả 3 tuyến nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Ba Lan nhỉnh hơn về mặt kinh nghiệm với một giải đấu Euro 2016 thành công nhưng lại không có nhiều cái tên có thể tin tưởng. Ngoài ra, cũng không thể xem thường tinh thần của người Nhật dù thực lực của họ không được đánh giá cao.

1. COLOMBIA

Colombia đã 5 lần tham dự World Cup và thành tích tốt nhất là lọt đến vòng 8 đội năm 2014. Họ đang đứng thứ 16 trên BXH của FIFA.

Colombia giành quyền dự World Cup với vị trí thứ 4 ở vòng loại Nam Mỹ với chỉ 1 điểm nhiều hơn vị trí thứ 5.

Sau giải đấu thành công năm 2014, Colombia đến với World Cup năm nay đầy tự tin khi có sự bổ sung của Radamel Falcao, người vắng mặt 4 năm trước vì chấn thương.

Mặc dù có một đội hình chất lượng, chiến dịch vòng loại của Colombia lại không mấy suôn sẽ. Sau khởi đầu khá ổn, Colombia bất ngờ chơi sa sút ở giai đoạn cuối với chuỗi 4 trận không thắng, trong đó có trận thua 1-2 trước Paragoay ngay trên sân nhà và chỉ giữ được vé đến Nga với chỉ 1 điểm nhiều hơn Chile (thua Brazil 0-3 ở trận cuối).

Colombia kết thúc vòng loại với chỉ 21 bàn thắng nhưng cũng chỉ phải chịu 19 bàn thua, chỉ nhiều hơn Brazil (11) và Argentina (16).

HLV José Pékerman vẫn duy trì đội hình 4-2-3-1 đã thành công kể từ kì World Cup trước. Cũng đôi khi chuyển sang 4-3-2-1 với 3 cầu thủ đầy sức mạnh ở hàng tiền vệ.

Khác với nhiều đội bóng thường chơi 2-3 trận giao hữu khi tập trung chuẩn bị cho World Cup, Colombia chỉ chơi duy nhất 1 trận với Ai Cập (0-0). Không rõ có phải José Pékerman “dấu bài” hay ông đã tự tin với đội ngũ hiện có sau màn trình diễn ấn tượng hồi tháng 3, khi họ đánh bại đội tuyển Pháp hùng mạnh với tỉ số 3-2 ngay trên sân khách.

Pékerman có lẽ đã yên tâm về hàng tấn công, nhưng hàng thủ lại đang tồn tại những lo lắng nhất định. Cánh trái, vốn đã được loay hoay thử nghiệm trong thời gian qua, giờ lại mất đi hậu vệ Frank Fabra vì chấn thương. Thủ môn chính David Ospina vốn không được bắt chính nhiều ở CLB, lại còn hay tỏ ra lóng ngóng. Cặp trung vệ Yerry Mina (Barcelona) và Davinson Sanchez (Spurs) dù đầy tài năng nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm ở đội tuyển.

Bên cạnh đó, cặp tiền vệ trung tâm Abel Aguilar và Carlos Sanchez cũng đã lớn tuổi và đang ở những ngày cuối trong sự nghiệp.

THÔNG SỐ (vòng loại WC):

Đá chính nhiều nhất: David Ospina (18), Carlos Sanchez (15), Santiago Arias, Juan Cuadrado, James Rodriguez (13).

Ghi bàn nhiều nhất: James Rodriguez (6), Carlos Bacca, Edwin Cardona (3), Radamel Falcao (2)

Kiến tạo nhiều nhất: James Rodriguez (4), Bacca, Cuadrado (3).

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

James Rodríguez: Tài năng trẻ cách đây 4 năm giờ đã là một ngôi sao hàng đầu thế giới. Sự phụ thuộc trong thành tích của Colombia vào phong độ của James có thể thấy rõ khi 48% số bàn thắng của đội tuyển trong vòng loại mang dấu giày của anh (6 bàn, 4 kiến tạo). Mặc dù không được thường xuyên đá chính như mong đợi tại Bayern Munich, James vẫn có được 8 bàn, 13 kiến tạo sau 35 trận ra sân tại Bundesliga và Champions League. Cầu thủ số 10 cũng tỏ ra đã sẵn sàng tiếp tục tỏa sáng với 2 pha kiến tạo cho các đồng đội lập công trong trận đấu giao hữu với Pháp hồi tháng 3.

Radamel Falcao: Vắng mặt đáng tiếc cách đây 4 năm vì chấn thương, đội trưởng Falcao đến với giải đấu năm nay với quyết tâm cao nhất. Tiền đạo 32 tuổi là một cỗ máy ghi bàn thực sự, anh là chân sút vĩ đại nhất lịch sử Colombia, và dù đã không còn ở đỉnh cao sự nghiệp, Falcao vẫn có cho mình 18 bàn (cộng thêm 4 kiến tạo) chỉ sau 25 lần ra sân ở Ligue 1 mùa này, cũng như 3 bàn tại Champions League. Falcao chỉ đá chính 5 trận ở vòng loại nhưng cũng kịp ghi 2 bàn và kiến tạo 1 bàn khác. Falcao cũng đóng góp 1 bàn trong trận thắng Pháp 3-2.

Johan Mojica: Với chấn thương bất ngờ của Fabra, Mojica nhiều khả năng sẽ là người đóng thế. Đây sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho cầu thủ 25 tuổi này bước ra ánh sáng. Là một vận động viên chạy nước rút trước khi chơi bóng đá, và có khả năng chạy 100m chỉ với 11s, Mojica thực sự là một tia chớp ở hành lang trái. Ngoài việc rất nhanh nhẹn, anh còn có khả năng kỹ thuật tốt và tạt bóng cũng không hề kém. Mojica có 4 kiến tạo trong màu áo Girona sau 22 trận đá chính tại La Liga, trước đó là 9 bàn thắng trong 66 trận khác áo Valladolid.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Ospina
Arias – Mina – D. Sanchez – Mojica
Aguilar – C. Sanchez
Cuadrado – J. Rodriguez – Uribe
Falcao

Juan Quintero và José Izquierdo sẽ cạnh tranh với Mateus Uribe cho một vị trí đá cánh. Ngoài ra, Jose Pekerman có thể chuyển sang đội hình 4-2-2-2 với Muriel hoặc Bacca chơi cặp trên hàng công với Falcao. Jefferson Lerma đã được thử nghiệm chơi cặp cùng C. Sanchez trong trận giao hữu gần nhất với Ai Cập thay Abel Aguilar.

2. SENEGAL

Senegal có lần thứ 2 được tham dự World Cup, họ đã từng vào đến Tứ kết ngay lần đầu góp mặt vào năm 2002 sau khi loại cả ĐKVĐ Pháp. Đội bóng này đang đứng ở vị trí 28 trên BXH của FIFA.

Senegal đủ điều kiện đến Nga khi đứng đầu bảng D vòng loại cuối cùng khu vực châu Phi.

Nằm ở một bảng đấu dễ thở với Nam Phi, Burkina Faso và Cape Verde, đội bóng xếp thứ 122 TG, Senegal đã không mấy khó khăn để kiếm được 4 trận thắng và 2 trận hòa để đứng đầu bảng. Dù chỉ ghi được 10 bàn, ít hơn những đội đầu bảng khác là Tunisia, Nigeria và Morocco nhưng Senegal lại là đội có hàng thủ chắc chắn nhất với chỉ 2 bàn thua (hòa Burkina Faso 2-2) và 5/6 trận giữ sạch lưới.

Vết gợn ở vòng loại là việc để thua đội chót bảng Nam Phi 2-1 trên sân nhà. Trận đấu này đã được đá lại (Senegal thắng 2-0) sau khi LĐBĐ châu Phi xác định trọng tài Joseph Lamptey đã dàn xếp tỉ số trận đấu này.

Xét về tương quan lực lượng của từng cầu thủ, Senegal là đội mạnh nhất trong số các đội bóng châu Phi năm nay. Ngoài Sadio Mane đã quá nổi tiếng, họ có một hòn đá tảng ở vị trí trung vệ là Kalidou Koulibaly, bên cạnh đó là một hàng tiền vệ đầy sức mạnh với Idrissa Gana Gueye, Badou Ndiaye cả và Cheikhou Kouyaté, những người đã có một mùa giải thành công ở Premier League. Ngoài ra, họ cũng có những cái tên chất lượng khác trên hàng công như Diafra Sakho, Mbaye Niang hay tài năng trẻ Keita Baldé.

Điểm yếu của Senegal có lẽ là việc thiếu kinh nghiệm trong các giải đấu đỉnh cao và khả năng của HLV Aliou Cissé vẫn chưa được kiểm chứng. Nhận lời dẫn dắt đội tuyển từ tháng 1/2015 thay thế cho Alain Giresse, người đội trưởng năm nào của đội hình Senegal vào đến tứ kết 2002 đã thất bại ở giải đấu lớn đầu tiên là cup Châu Phi (CAF) 2015 khi bị loại ngay từ vòng bảng. Ở CAF 2017, Senegal cũng đã dừng chân ở Tứ kết sau khi thất bại trước Cameroon (đội sau đó lên ngôi vô địch) ở chấm phạt đền.

Mặc dù có khá nhiều những cầu thủ tấn công tốt trong đội hình nhưng Aliou Cissé vẫn lựa chọn một lối đá thiên về phòng ngự và cũng đã bị giới truyền thông nước nhà không ít lần chỉ trích.

Sau khi sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 hay 4-3-3 để vượt qua vòng loại, Aliou Cisse thử nghiệm đội hình 3-5-2 trong các trận giao hữu hồi tháng 3. Thay đổi này được đánh giá là thất bại khi chỉ kiếm được 2 trận hòa trước các đối thủ yếu, 1-1 vs Uzbekistan và 0-0 vs Bosnia-Herzegovina. Một số cầu thủ của Senegal cũng đã không hài lòng về thử nghiệm này và tỏ ra không thoải mái với cách chơi mới.

Aliou Cisse buộc phải thay đổi, chuyển về sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 sở trường. Họ đã có những màn trình diễn tốt hơn khi thi đấu ngang ngửa với Croatia và thắng Hàn Quốc 2 bàn trắng trong 2 trận giao hữu gần nhất.

THÔNG SỐ (vòng loại WC):

Đá chính nhiều nhất: Idrissa Gueye (8), Cheikhou Kouyate, Kara Mbodji, Sadio Mane (7), Kalidou Koulibaly (6), Lamine Gassama, Saliou Ciss (5), Khadim N’Diaye (4), Abdoulaye Diallo, Salif Sane, Moussa Wague, Moussa Sow, Badou Ndiaye (3)

Ghi bàn nhiều nhất: Diafra Sakho, Cheikh N’Doye, Sadio Mane, Mame Biram Diouf (2)

Kiến tạo nhiều nhất: Sadio Mane (5)

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Sadio Mane: Cầu thủ xuất sắc nhất, nổi tiếng nhất của Senegal, Mane chứng tỏ tầm quan trọng của mình khi là người đóng góp nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển ở vòng loại với 2 bàn, 5 kiến tạo, vượt trội so với bất kì ai khác. Mặc dù bị lu mờ phần nào bởi sự xuất hiện của Salah, Mane vẫn có mùa giải thứ 4 liên tiếp ghi được 10+ bàn thắng tại Premier League.

Kalidou Koulibaly: Nếu Mane là người dẫn dắt hàng công thì Koulibaly chính là thủ lĩnh của hàng phòng ngự. Anh hiện cũng được đánh giá là một trong những trung vệ xuất sắc ở châu Âu hiện tại. Mặc dù chưa ghi bàn cho đội tuyển, trung vệ của
Napoli đã có 5 bàn ở Serie A mùa này.

Ismaila Sarr: Tài năng 20 tuổi này có thể sẽ là sự khác biệt trong đội hình của Senegal ở giải đấu năm nay. Cầu thủ chạy cánh của Rennes đã đá chính cả 3 trận giao hữu gần nhất của đội tuyển và ghi bàn trong trận thua 1-2 trước Croatia. Anh cũng đã ghi được 5 bàn cùng 3 kiến tạo trong 22 trận ra sân tại Ligue I.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

N’Diaye
Wague – Koulibaly – Sane – Sabaly
Gueye – Kouyate
Sarr – Mane – Niang
Sakho

Khadim Ndiaye đã bắt chính 2/3 trận giao hữu gần nhất và đều giữ sạch lưới nên có thể sẽ tiếp tục được giao trọng trách thay vì Abdoulaye Diallo. Lamine Gassama sẽ cạnh tranh với Moussa Wagué ở vị trí hậu vệ phải. Pape Alioune ‘Badou’ Ndiaye sẽ cạnh tranh với Kalidou Koulibaly cho một suất đá cặp cùng Gueye ở trung tâm. Tài năng trẻ Keita Baldé có thể sẽ được sử dụng thay Niang hoặc Sakho (Niang đẩy lên) nếu đủ thể lực.

3. BA LAN (POLAND)

Ba Lan đã 6 lần tham dự World Cup với thành tích tốt nhất là vào tới Bán kết các năm 1974 và 1982. Họ đang đứng thứ 10 trên BXH của FIFA.

Ba Lan có vé đến Nga với tư cách đội đầu bảng E vòng loại châu Âu.

Ba Lan đứng đầu bảng đấu được đánh giá là khó khăn với sự góp mặt của những cái tên như Đan Mạch, Montenegro, Romania và Armenia (đội bóng của Henrikh Mkhitaryan). Họ chỉ thua 1, hòa 1 và thắng tới 8.

Ba Lan là đội có hàng công rất tốt ở vòng loại khi ghi được 28 bàn thắng, tuy nhiên họ lại để thủng lưới quá nhiều với 14 lần nhận bàn thua. Để so sánh, không có đội bóng nào đứng nhất và nhì ở các bảng khác có nhiều hơn 10 bàn thua. Đặc biệt trong số đó, trận thua tan nát 0-4 trước Đan Mạch là rất khó để nuốt trôi.

Đó là lý do HLV Adam Nawalka đã phải tập trung vào phòng ngự nhiều hơn trong các trận đấu tập dượt cho World Cup, như ông đã từng làm ở Euro 2016. Khi đó, Ba Lan chỉ để thủng lưới 2 bàn, thấp nhất giải đấu (cùng với Italy).

Nawalka bắt đầu thử nghiệm sơ đồ 3-4-3 để có thể thay đổi chiến thuật linh hoạt hơn trong các trận đấu và trình làng nó trong những trận giao hữu hồi tháng 11 vs Uruguay (0-0) và Mexico (0-1). Hệ thống mới này tỏ ra mượt mà hơn trong những trận đấu hồi tháng 3 vs Nigeria (0-1) và Korea (3-2). Tuy nhiên, trong 2 trận giao hữu gần nhất, Nawalka đã cho đội tuyển trở lại với các sơ đồ quen thuộc 4-2-3-1 và 4-4-2 và kết quả là khả quan hơn nhiều khi hòa Chile 2-2 và thắng Litva 4-0.

Ba Lan có hàng công mạnh với mũi tấn công lợi hại Robert Lewandowski, bên cạnh những tài năng trẻ hứa hẹn như Piotr Zielinski và Arkadiusz Milik. Tuy nhiên, hàng phòng ngự vốn không được đánh giá cao của họ lại thiếu mất cái tên chủ chốt
Kamil Glik vì chấn thương. Ngoài ra, tuổi tác và phong độ của cặp tiền vệ biên Jakub Blaszczykowski – Kamil Grosicki sẽ khiến họ khó có thể tái lập phong độ như cách đây 2 năm, trong khi Ba Lan lại chưa có những người thay thế xứng đáng.

THÔNG SỐ (vòng loại WC+Play-off):

Đá chính nhiều nhất: Piotr Zielinski, Robert Lewandowski (10), Kamil Glik, Lukasz Piszczek, Jakub Blaszczykowski, Kamil Grosicki (9), Lukasz Fabianski, Michal Pazdan (7), Artur Jedrzejczyk, Grzegorz Krychowiak (6), Karol Linetty (5)

Ghi bàn nhiều nhất: Robert Lewandowski (16), Kamil Grosicki (3)

Kiến tạo nhiều nhất: Piotr Zielinski (6), Jakub Blaszczykowski, Kamil Grosicki (3), Robert Lewandowski, Lukasz Piszczek (2)

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Robert Lewandowski: Đội trưởng của Ba Lan là người đầu tiên ghi được tới 16 bàn thắng tại vòng loại Euro trong lịch sử. Chỉ cần 38 pha dứt điểm để có được con số 16 đó, Lewandowski có tỉ lệ chuyển hóa những pha dứt điểm thành bàn thắng còn tốt hơn cả Messi, Ronaldo và Harry Kane ở vòng loại. Anh cũng đang là chân sút suất sắc nhất của quốc gia mình với 54 bàn thắng. Tiền đạo của Bayern Munich tiếp tục phong độ ghi bàn khủng khiếp của mình với 4 bàn/3 trận giao hữu gần nhất của Ba Lan và chắc hẳn còn muốn kéo dài thành tích này ở Nga sắp tới.

Piotr Zielinski: Được HLV Napoli, Maurizio Sarri, ca ngợi là một “Kevin De Bruyne mới”, tiền vệ sáng tạo 24 tuổi này được kỳ vọng là sẽ tỏa sáng ở World Cup năm nay. Có khả năng kiểm soát bóng, chuyền bóng tốt cũng như nhãn quan chiến thuật lợi hại, Zielinski đã kiến tạo 6 bàn thắng cho các đồng đội tại vòng loại. Mặc dù chưa ghi bàn ở vòng loại, Zielinski vẫn là một vũ khí nguy hiểm với những pha sút xa uy lực. Anh có tổng cộng 7 bàn thắng cho Napoli trên mọi đấu trường ở mùa giải 2017/18. Ngoài ra, Zielinski cũng có được 2 bàn thắng trong 3 trận giao hữu gần nhất.

Arkadiusz Milik: Sau khi tỏa sáng tại Euro 2016, Milik gặp phải vận xui khi dính chấn thương nặng và phải rời xa sân cỏ 12 tháng. Anh chỉ có 3 trận đá chính cho Napoli ở Serie A mùa giải 2017/18, cũng như chỉ có từng đó trận cho Ba Lan ở vòng loại. Mặc dù vậy, anh vẫn được HLV của mình tin tưởng và đã sử dụng tiền đạo 24 tuổi này trong cả 4 trận giao hữu gần nhất. Nawalka đang nuôi hy vọng cặp tiền đạo Milik-Lewandowski sẽ tái hiện lại những màn trình diễn đỉnh cao như đã từng có ở Euro 2016.

Kamil Grosicki: Grosicki chính là chân sút số 2 của Adam Nawalka sau Robert Lewandowski. Cặp đôi này đã cùng nhau ghi tới 50% tổng số bàn thắng của Ba Lan dưới thời vị HLV này. Grosicki cũng chính là chân sút thứ 2 của đội tuyển ở vòng loại với 3 bàn thắng và cũng là chân kiến tạo thứ 2 với 3 kiến tạo. Anh chính là cái tên nguy hiểm nhất ở hàng tiền vệ của Ba Lan khi có 14/19 pha dứt điểm trong vòng cấm cũng như đứng đầu đội bóng về số pha tạt bóng chính xác cũng như đường chuyện tạo cơ hội (key pass).

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Fabianski
Piszczek – Bednarek – Pazdan – Rybus
Blaszczykowski – Krychowiak – Zielinski – Grosicki
Milik – Lewandowski

Linetty có thể được sử dụng, thay Grosicki (Zielinski ra đá cánh) hoặc Arkadiusz Milik nếu cần chơi an toàn hơn. Kamil Glik khả năng chỉ có thể trở lại trong trận cuối cùng gặp Nhật Bản và Jan Bednarek nhiều khả năng sẽ được chọn đá thay. Ba Lan cũng có thể chơi 3-4-3 với Piszczek là trung vệ lệch phải, Linetty sẽ đá cặp cùng Krychowiak ở trung tâm còn Zielinski đá ngay sau 2 tiền đạo.

4. NHẬT BẢN (JAPAN)

Nhật Bản đã 5 lần tham dự World Cup và thành tích tốt nhất chỉ là vào đến vòng 16 đội các năm 2002 và 2010. Hiện đội bóng này đang đứng hạng 60 trên BXH của FIFA.

Nhật Bản giành vé dự World Cup với tư cách đội đứng đầu bảng B vòng loại cuối cùng châu Á.

Sau một số trận giao hữu với kết quả thất vọng (hòa Mali 1-1, thua Ukraina 1-2), cộng thêm mâu thuẫn với nhiều cầu thủ, LĐBĐ Nhật Bản đã phải chấp nhận ra quyết định mạo hiểm khi sa thải HLV Vahid Halilhodzic chỉ 2 tháng trước World Cup.

Akira Nishino, giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn từ năm 2016, được bổ nhiệm thay thế. Ông là người đang giữ kỉ lục về số trận thắng nhiều nhất của một HLV tại J.League (270) và từng dẫn dắt Gamba Osaka vô địch AFC Champions League vào năm 2008.

Mặc dù có một bản lí lịch hoành tráng và hiểu khá rõ các cầu thủ, Akira vẫn có khá ít thời gian để huấn luyện đội tuyển đi theo ý tưởng của mình.

Trong trận đầu tiên dẫn dắt đội tuyển trong trận giao hữu với Ghana, Akira thử nghiệm sơ đồ 3-4-2-1 khá thịnh hành ở J-League nhưng không đạt kết quả mong muốn và thất bại 0-2. Ông cho các cầu thủ trở lại sơ đồ 4-2-3-1 quen thuộc trong
trận thứ 2 với Thụy Sĩ. Mặc dù thua tiếp tục thua 0-2 nhưng những tín hiệu tích cực đã tới trong trận đấu thứ 3. Trong màn tập dượt cuối cùng cho World Cup, Nhật Bản đã có chiến thắng 4-2 trước Paraguay.

Nhật Bản vẫn có trong đội những cầu thủ tấn công chất lượng như Shinji Kagawa, Keisuke Honda hay Shinji Okazaki, tuy nhiên, những xáo trộn trong thời gian qua sẽ khiến họ khó có thể làm nên bất ngờ trước những đối thủ mạnh hơn.

THÔNG SỐ (vòng loại WC):

Đá chính nhiều nhất: Maya Yoshida (10), Hiroki Sakai (9), Genki Haraguchi (8), Masato Morishige, Hotaru Yamaguchi (7).

Ghi bàn nhiều nhất: Haraguchi (4), Takuma Asano, Yuya Kubo (2).

Kiến tạo nhiều nhất: Hiroshi Kiyotake, H Sakai (3)

NHỮNG CẦU THỦ ĐÁNG CHÚ Ý:

Keisuke Honda: Bị thất sủng dưới thời Halilhodzic do bất đồng quan điểm, Honda càng có thểm động lực để chứng tỏ bản thân. Dù chỉ có tổng cộng 6 trận đá chính trong cả vòng loại, Honda vẫn có cho mình 1 bàn và 2 kiến tạo. Dù chưa tạo được dấu ấn nào trong 2 trận đá chính dưới thời tân HLV Akira, Honda vẫn sẽ là đầu tàu trên hàng công của đội tuyển.

Shinji Kagawa: Tiền vệ sáng tạo của Borussia Dortmund đã trải qua những ngày tháng vật lộn vì chấn thương từ tháng 2 năm nay. Anh không có trận đá chính nào cho cả CLB lẫn đội tuyển trong suốt 4 tháng trời. Tuy nhiên, Kagawa nhanh chóng hòa nhập với lối chơi của đội tuyển với 1 bàn và 1 kiến tạo trong trận đấu với Paraguay. Kagawa đang có thành tích ghi bàn ấn tượng trong màu áo đội tuyển với 30 lần lập công sau 91 trận.

Shinji Okazaki: Chỉ vừa đá chính trở lại trong trận gặp Paragoay do chỉ mới bình phục chấn thương, tiền đạo của Leicester được kỳ vọng sẽ tiếp nối phong độ ở giải Ngoại hạng mùa này. Okazaki có 6 bàn thắng và 3 kiến tạo, thành tích tốt nhất mà anh có được ở Anh, chỉ sau tổng cộng 1314 phút ra sân. Ở vòng loại, dù cũng chỉ có 4 trận đá chính, Okazaki vẫn đóng góp cho đội tuyển 1 bàn và 1 kiến tạo.

Hiroki Sakai: Cũng giống Kagawa, hậu vệ trái của Marseille này vừa chỉ trở lại đội tuyển từ ghế dự bị trong trận gặp Thụy Sĩ và sau đó đá chính trong trận gặp Paragoay. Anh là một mũi tấn công lợi hại bên hành lang cánh với khả năng chồng biên (overlap) cũng như tạt bóng tốt. Là một trong số ít những ngôi sao không gặp vấn đề với Halilhodzic, Sakai có 9 trận đá chính ở vòng loại và có 3 pha kiến tạo, cao nhất trong đội.

DỰ KIẾN ĐỘI HÌNH:

Kawashima
Sakai – Yoshida – Shoji – Nagatomo
Hasebe – Yamaguchi
Honda – Kagawa – Inui
Okazaki

Genki Haraguchi sẽ cạnh tranh cùng Takashi Inui cho một suất đá chính. Yuya Osako sẽ là những sự bổ sung cho hàng công khi cần.

Đọc thêm:

Bảng A: Urugoay, Nga, Ai Cập, Saudi Arabia.

Bảng B: TBN, BDN, Morocco, Iran

Bảng C: Pháp, Đan Mạch, Peru, Australia

Bảng D: Argentina, Croatia, Nigeria, Iceland

Bảng E: Brazil, Thụy Sĩ, Costa Rica, Serbia

Bảng F: Đức, Mexico, Thụy Điển, Hàn Quốc

Bảng G: Anh, Bỉ, Tunisia, Panama

Facebook Comments